Bàn giải pháp “số hóa” hoạt động truyền thông tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng

07:52' - 16/11/2024
BNEWS Trung bình trong 3 năm gần nhất, mỗi năm, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đón 180.000 lượt khách (gồm khách tham quan và triển lãm lưu động).
Ngày 15/11, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông tương tác đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng”.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, đồng thời đưa ra định hướng, giải pháp hiệu quả trong hoạt động truyền thông tương tác ứng dụng vào thực tiễn đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

 
Bà Vũ Chi Mai, giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bảo tàng có một số điều kiện thuận lợi như: Sở hữu các tài liệu, hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; vị trí thuận lợi ngay bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn, cảng Ba Son; được nâng cấp khang trang, nhiều không gian đẹp. Tuy vậy, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các hoạt động văn hóa, giải trí khác. Bên cạnh đó, Bảo tàng truyền thống nói chung cũng có nguy cơ mất sức hấp dẫn so với các mô hình giải trí hiện đại, đa phương tiện; chưa có sự đột phá mới mẻ trong phương thức truyền tải thông tin.Trước những thực trạng còn tồn tại, theo bà Vũ Chi Mai, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần đầu tư “số hóa” hiện vật, hình ảnh, dữ liệu bảo tàng dưới định dạng 3D với đầy đủ thông tin chi tiết; tối ưu hóa website bảo tàng, tạo các triển lãm ảo (VR); phát triển ứng dụng của bảo tàng cùng một số chức năng như quét mã để tra cứu thông tin… Ngoài ra, Bảo tàng cần đầu tư phát triển các kênh truyền thông theo hướng: tăng cường sáng tạo về mặt nội dung; đầu tư nội dung giới thiệu về không gian bảo tàng, khơi gợi sự quan tâm của công chúng; linh hoạt trong sáng tạo thông điệp truyền thông phù hợp đặc điểm của từng nhóm công chúng; đẩy mạnh sản xuất video ngắn, theo xu hướng; đồng thời khuyến khích nội dung do người dùng tạo ra như khách tham quan chụp ảnh, quay video trải nghiệm của họ tại bảo tàng, chia sẻ trên mạng xã hội kèm hashtag của bảo tàng nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa.

Ông Trương Kim Quân, Phó Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã chủ động xây dựng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp để thu hút công chúng tìm hiểu về Bác Tôn; đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giáo dục bổ ích đến học sinh, sinh viên. Ông mong muốn, bảo tàng sẽ tăng cường kết nối chặt chẽ hơn nữa với các trường học để xây dựng thêm nhiều chương trình phù hợp, hấp dẫn. Đồng thời nghiên cứu thêm nhiều chương trình mang tính sáng tạo, thú vị, phù hợp với độ tuổi, nhằm đảm bảo mục đích giáo dục di sản, giúp các em học sinh, sinh viên có sự hứng thú khi đến với các chương trình do bảo tàng tổ chức. Đây cũng chính là cách để bảo tàng tiếp tục phát huy, quảng bá, đẩy mạnh truyền thông, tăng độ nhận diện tới công chúng.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/1988). Sau 32 năm hoạt động, cơ sở vật chất của bảo tàng đã xuống cấp. Tháng 10/2020, Thành phố Hồ Chí Minh khởi công xây dựng công trình “Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng” gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, có chiều cao 20m, diện tích xây dựng hơn 1.700m2, tổng diện tích sàn hơn 8.551m2. Nơi đây đang lưu giữ 16.986 hiện vật, tư liệu, trong đó có 1.379 hiện vật gốc được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiến tặng. Số hiện vật gồm nhiều chất liệu như đá, đồng, sắt, gốm sứ, xương, gỗ, giấy, vải… Trung bình trong 3 năm gần nhất, mỗi năm, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đón 180.000 lượt khách (gồm khách tham quan và triển lãm lưu động).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục