Hướng tới mọi người dân đều được phổ cập kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số

13:30' - 11/05/2025
BNEWS Trong giai đoạn mới, Thái Nguyên phát huy cao độ vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập trong triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”.
Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong giai đoạn mới, Thái Nguyên phát huy cao độ vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập trong triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm mọi người dân đều được phổ cập kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số.

Tỉnh hướng đến mục tiêu, đến hết năm 2025, 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; trên 40% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID; 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thái Nguyên tăng cường truyền thông, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào “Bình dân học vụ số”, tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ số, kỹ năng số trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong triển khai các nền tảng, tỉnh tiếp nhận, khai thác nền tảng học trực tuyến mở đại trà quốc gia (MOOCs) “Bình dân học vụ số” do Trung ương xây dựng để đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên và người dân; khai thác và sử dụng hiệu quả nền tảng tích hợp với VNeID, thực hiện và duy trì các dịch vụ, nền tảng số thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề để thực hành, sử dụng ngay trong quá trình rèn luyện kỹ năng số.

 
Bên cạnh đó, Thái Nguyên thực hiện phổ cập tri thức về chuyển đổi số cho từng nhóm đối tượng, tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đảng viên tiên phong học tập kỹ năng số”, tích hợp giáo dục kỹ năng số cho học sinh, sinh viên trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục cao đẳng, phổ cập kỹ năng số cho người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trong phổ cập kỹ năng số cho người dân, tỉnh có kế hoạch tổ chức các lớp học “Bình dân học vụ số” cho người cao tuổi về sử dụng Internet, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán số, nhất là an toàn số và chăm sóc sức khỏe trực tuyến, hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn tiếp cận sử dụng dịch vụ, nền tảng số, bảo đảm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn có khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ số, thu hẹp khoảng cách số với thành thị.

Tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình “Bình dân học AI” giai đoạn 2024 -2025, hình thành văn hóa “AI xứ Trà” và tư duy “AI First”, tổ chức thực hiện mô hình mạng lưới “Đại sứ số” và phong trào “Gia đình số”, thực hiện mô hình “Chợ số - Nông thôn số”, mô hình “Mỗi công dân - một danh tính số”, bảo đảm 100% công dân từ 16 tuổi có danh tính số, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản ngân hàng số. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục