Ban Kinh tế Trung ương nâng cao năng lực hoạch định chủ trương kinh tế - xã hội

09:06' - 04/02/2022
BNEWS Ban Kinh tế Trung ương đang tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu, hoạch định chủ trương về kinh tế - xã hội.
Với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định các chủ trương, giải pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội, năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đề ra.

*Hoàn thành 3 đề án trình Bộ Chính trị

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, mặc dù trong điều kiện công tác rất khó khăn, nhất là từ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai linh hoạt các hoạt động thông qua nhiều hình thức, qua đó bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ban đã bám sát thực tiễn, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành, đặc biệt là thông qua việc tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ đó đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Cụ thể, trong năm, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành 3 đề án trình Bộ Chính trị, gồm: Đề án "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020" và Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030". Trong tháng 12/2021, Bộ Chính trị đã họp, thảo luận cho ý kiến đối với 2 đề án, qua đó đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng của Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng các đề án, đồng thời thống nhất ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững ở nước ta và nghị quyết mới về phát triển vùng Trung du, miền núi Bắc bộ.

Đặc biệt, với yêu cầu bức thiết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban Kinh tế Trung ương được giao là cơ quan Thường trực xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (Nghị quyết 19-NQ/TW). Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Với tầm đặc biệt quan trọng như vậy, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW đã tập trung cao độ, huy động cao nhất sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để đánh giá khách quan về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW. Trên cơ sở đó, đề xuất những chủ trương, chính sách quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, phục vụ phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.

Trong thời gian này, Ban Kinh tế Trung ương được giao tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020".

Đặc biệt, trong năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tổ chức nghiên cứu các nội dung, đề án, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội phục vụ công tác tham mưu, đề xuất; có 191 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có 69 lượt thẩm định, tham gia ý kiến về các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 122 lượt tham gia ý kiến với các ban, bộ, ngành, địa phương về các đề án, dự án, báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến thẩm định, góp ý luôn thể hiện quan điểm rõ ràng, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước và các cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật...

*Nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương ba đề án quan trọng là: Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (trình Hội nghị Trung ương 6 - tháng 10/2022).

Ngoài ra, một số đề án sẽ được trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm: Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020" (trình vào đầu năm 2022)…

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức, bộ máy... đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục