Bán mạnh cuối phiên khiến VN-Index lùi về mốc 1.100 điểm

16:13' - 13/11/2023
BNEWS Áp lực bán gia tăng trở lại vào những phút cuối phiên đã khiến cho VN-Index không thể giữ được sắc xanh, đảo chiều giảm điểm, nhưng vẫn giữ được mốc 1.100 điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/11, VN-Index giảm 1,61 điểm xuống 1.100,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 789,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 16.041 tỷ đồng. Toàn sàn có 188 mã tăng giá, 321 mã giảm giá và 95 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,54 điểm xuống 226,11 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 94,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.829,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 53 mã tăng giá, 107 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.

 

UPCOM-Index giảm 0,05 điểm xuống 85,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29,5 triệu đơn vị, tương ứng trên 410,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 136 mã tăng giá, 126 mã giảm giá và 89 mã đứng giá.

Nhận định về diễn biến thị trường hôm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới, VN-Index mở cửa trong sắc xanh với sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Theo thống kê, tính đến hết phiên sáng, nhóm cổ phiếu thép và bán lẻ là hai nhóm ngành thu hút được lực cầu tốt nhất với mức tăng lần lượt là 2,1% và 1,3%.

Tuy nhiên, với tâm lý thận trọng, áp lực bán ở hơn 200 mã đã tác động tiêu cực, khiến cho chỉ số chung chưa có được phiên tăng điểm tốt.

Đầu phiên chiều tiếp tục ghi nhận lực cầu tích cực với thanh khoản mua chủ động chiếm đến 77,8%. Tuy nhiên, áp lực bán quay trở lại vào ít phút cuối đã làm VN-Index đảo chiều giảm điểm về khu vực tham chiếu.

Trái ngược với dòng tiền khối nội, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng xuyến suốt phiên giao dịch với thanh khoản 324 tỷ đồng, tập trung bán HPG, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VHM.

Chỉ số VN-Index có lúc thủng khá sâu mốc 1.100 điểm trong phiên 13/11 nhưng lại phục hồi về trên mốc này. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE nhỉnh hơn mức trung bình 1 tháng gần đây.

Về diễn biến giao dịch cụ thể, các ngành có vốn hóa vừa và nhỏ hầu hết diễn biến tích cực trong khi các ngành vốn hóa lớn lại phân hoá rõ rệt.

Cụ thể, cổ phiếu thép gây ấn tượng nhất khi đồng loạt tăng mạnh. Theo đó, HPG tăng 2,64%, HSG tăng 4,12%, NKG tăng 4,88%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng tăng khá mạnh với SSI tăng 2,11%, VND tăng 0,75%, VCI tăng 1,63%, HCM tăng 1,04%, VIX tăng 1,27%, FTS tăng 1,87%, BSI tăng 1,67%, CTS tăng 2,59%.

Tại nhóm cổ phiếu năng lượng, GAS tăng 0,38%, POW tăng 1,71%; PGV và PLX đều đứng giá tham chiếu. Nhóm cổ phiếu bán lẻ, đáng chú ý có DWG tăng 2,12%, MWG tăng 1,52%, PNJ tăng 0,13%, FRT đứng ở tham chiếu.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắc đỏ chiếm ưu thế; trong đó VPB và SSB lần lượt mất đi 1,79% và 3,36%. Các cổ phiếu còn lại đa phần tăng nhẹ hoặc đứng giá tham chiếu.

Tại nhóm bất động sản, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn ở chiều giảm giá như VHM giảm 2,25%, VRE giảm 1,88%, NVL giảm 1,56%, BCM giảm 0,99%, VIC giảm 0,33%.

Ở chiều ngược lại, KDH tăng 1,44%, PDR tăng 2,92%, DIG tăng 2,46%, NLG tăng 1,37%, DXG tăng 1,77%, LGC tăng 5,96%.

Tại nhóm cổ phiếu ngành sản xuất, các mã như BHN giảm 2,37%, SBT giảm 2,1%, SAB giảm 1,76%, VNM giảm 1,29%, DCM giảm 0,65%, DPM giảm 0,62%. Trong khi đó, DGC tăng 0,32%, MSN tăng 0,49%, GVR tăng 0,52%, PAN tăng 1,05%, VHC tăng 1,16%, DBC tăng 5,26%

VCBS cho biết, về góc nhìn kỹ thuật đang cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Tuy nhiên, xác suất cao VN-Index sẽ sớm có nhịp phục hồi ngắn hạn nếu giữ vững được khu vực hỗ trợ quanh 1.085- 1.090 điểm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục