Bán niềm tin để chinh phục khách hàng

14:52' - 18/04/2019
BNEWS Sau nhiều đợt lao đao vì dịch bệnh, chất cấm, hiện Công ty TNHH Thanh Bình đang chinh phục thị trường với sản phẩm thịt heo detox Thanh Bình
Ông Phạm Đức Bình (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình - Tp. Biên Hòa - Đồng Nai). Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Được biết đến là một doanh nhân dám nghĩ, dám làm, ưa mạo hiểm, thích đột phá, sau rất nhiều thăng trầm, ông Phạm Đức Bình (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình - Tp. Biên Hòa - Đồng Nai) vẫn trung thành với ngành chăn nuôi.

Sau nhiều đợt lao đao vì dịch bệnh, chất cấm, hiện Công ty TNHH Thanh Bình đang chinh phục thị trường với sản phẩm thịt heo detox Thanh Bình (trong khoảng một tháng cuối cùng trước khi đưa đi giết mổ, heo được ăn theo chế độ detox - thải độc, chủ yếu ăn thức ăn thô, không chứa đạm, vitamin và khoáng chất nên tồn dư kháng sinh hay độc hại nếu có đều bị thải hết ra ngoài).

“Nghịch lý đối với sản xuất nông sản hiện nay là rau sạch cũng chỉ được bán ngang giá rau không sạch, heo an toàn cũng chỉ bán cho thương lái bằng giá heo thường, thậm chí thấp hơn vì heo sạch không "đẹp" bằng heo thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải thay đổi.

Hiện chúng tôi đang chuyển hướng làm từ A đến Z theo chuỗi: Farm, Food, Feed. Mặc dù xác định còn rất nhiều khó khăn do giá thành và chất lượng sản phẩm thịt của chúng ta đang còn nhiều vấn đề nên để đưa được sản phẩm ra thị trường chúng tôi phải tìm hiểu cụ thể thói quen, sở thích tiêu dùng của từng nhóm khách hàng. 

Tuy nhiên, tôi xác định không chỉ là bán sản phẩm mà là bán niềm tin nên chúng tôi đang từng bước chinh phục khách hàng”, ông Bình cho biết,

Thực tế hiện nay thói quen của người tiêu dùng Việt Nam là thích “thịt nóng”, còn “thịt lạnh” thì rất khó được chấp nhận dù nhiều bà nội trợ vẫn thường xuyên mua miếng thịt tươi về vứt vào ngăn đông rồi tuần sau mới dùng đến. Hay thói quen của doanh nghiệp cứ nói đến chế biến thịt heo là nghĩ đến pate, xúc xích, dăm bông…, trong khi thực tế đây không phải là các món ăn truyền thống, được người Việt Nam sử dụng hàng ngày.

Vì vậy, Công ty TNHH Thanh Bình đang thử nghiệm các hình thức chế biến khác nhau với sản phẩm thịt heo detox Thanh Bình cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu bằng bằng các món quen thuộc như kho tộ, quay… 

“Mặc dù đã và đang kinh doanh nhiều ngành mảng khác nhau nhưng tôi vẫn coi ngành chăn nuôi là nghiệp bởi thực tế nhờ vốn của con heo, tôi mới mạnh dạn tham gia vào thị trường nhà đất, kho xưởng và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như hiện nay. 

Hơn nữa, tôi cũng trăn trở vì ngành chăn nuôi nói riêng cũng như nông nghiệp nói chung còn rất nhiều bất cập. Như Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng 70% nguyên liệu, thức ăn gia súc phải nhập khẩu như đậu nành, bắp, các chất phụ gia, khoáng vitamin... Tại sao chúng ta cứ mải mê với kế hoạch 6 - 7 triệu tấn gạo mà không phải là 1 tấn bắp cho heo ăn để không phải nhập khẩu?

Hay việc Nhà nước đã có nhiều quy định, nào là VietGAP, Global GAP…, nhưng vấn đề là phải làm sao tổ chức được theo chuỗi vì thực tế hiện nay, nếu nuôi được con heo tốt, cho ăn thức ăn tốt nhưng chế biến giết mổ không tốt, như lò mổ không đảm bảo vệ sinh, giết mổ lại bơm nước vào thịt heo… thì cũng không lấy đâu ra thịt sạch cho người tiêu dùng. Nên vấn đề là phải sản xuất theo chuỗi, phải có người chịu trách nhiệm đến khâu cuối cùng của sản phẩm trước khi đưa đến tay người dân, có như thế mới xây dựng được niềm tin và khi khách hàng đã có niềm tin thì chúng ta có tất cả”, ông Bình chia sẻ.

Cũng từ câu chuyện niềm tin, ông Bình cho biết, cũng như các ngành sản xuất khác, khi hướng đến sản xuất chuyên nghiệp thì việc quan hệ với một đối tác tín dụng tin cậy là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công, đặc biệt trong bối cảnh chăn nuôi ngày càng hướng đến quy mô, quy trình chuyên nghiệp, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.

Giao dịch tại Agribank Long Khánh - Đồng Nai. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

“Làm ăn bây giờ cạnh tranh quyết liệt, mời chào cũng ráo riết, song để gắn bó với nhau thì vấn đề quan trọng là chữ tín, là sự thủy chung, là làm ăn phải có trước, có sau… Như tôi với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) làm ăn với nhau hai mươi mấy năm nay rồi, vui buồn, thành bại có nhau, tự dưng có ngân hàng khác qua mời chào, rồi mình bỏ theo họ thì coi sao được. 

Thứ hai là thái độ phục vụ. Agribank với chúng tôi có giao dịch từ năm 1993, điều tôi hài lòng là sự trách nhiệm của Agribank. Agribank luôn coi việc của tôi cũng như việc của họ, dù khó khăn, dù lễ tết, dù bất cứ trục trặc gì cũng luôn tìm cách tốt nhất để đảm bảo thời hạn giải ngân, thời hạn thanh toán cho chúng tôi. 

Với doanh nghiệp làm ăn với nhiều đối tác khắp mọi miền trong nước, nước ngoài như chúng tôi, điều đó rất quan trọng. Chưa kể những chính sách chăm sóc khách hàng của Agribank cũng rất tốt. Bản thân tôi cũng là một doanh nghiệp đi bán hàng, tôi cũng rất hài lòng và nhiều khi học tập lại để áp dụng chăm sóc khách hàng của mình”, ông Bình chia sẻ.

Trong những bước thăng trầm của cuộc đời kinh doanh với nhiều thành công và cũng không ít  thất bại, ông Bình vẫn không quên khoản vay “5 tỷ đồng niềm tin” của Agribank vào lúc doanh nghiệp của ông đến bước đường cùng.

Ông Bình cho biết, tập tành kinh doanh từ lúc mười tám đôi mươi, sau nhiều năm lao động cật lực với nghề truyền thống của gia đình là nuôi heo và kinh doanh thức ăn gia súc, ông đã gầy dựng thành công thương hiệu Thanh Bình với trại heo ở Hố Nai và xí nghiệp sản xuất cám ăn cho heo mang nhãn hiệu "Con heo đỏ". 

Ngoài ra, Thanh Bình còn kết hợp chăn nuôi gà với hình thức tổ chức chăn nuôi gia công ở Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông, mở rộng nhà xưởng ở Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai để thu mua và chế biến nguyên liệu thức ăn gia súc...

Từ thành công trong chăn nuôi, ông Bình quyết định đầu tư vào cà phê để tăng tốc. “Đó là thời điểm năm 2000, khi thấy giá cà phê xuống thấp, tôi ham quá nên dốc hết vốn liếng, tài sản từ kinh doanh heo, gà vào cà phê. Nhưng lần này thất bại thảm hại. Tôi mất đến 100 tỷ đồng.  

Hoàn toàn trắng tay, nợ nần chồng chất, chủ nợ định “siết” toàn bộ tài sản trại heo và nhà máy cám, tôi nói: “Tôi chỉ còn con gà, nếu các anh cho tôi nuôi nó, nó sẽ tiếp tục đẻ trứng thì tôi mới có tiền trả cho các anh, ngược lại nếu anh lấy con gà này, chưa chắc các anh nuôi sống nó mà tôi cũng không có thêm tiền trả cho anh”. Nghe có lý nên chủ nợ đồng ý chờ đợi và tôi đã thực hiện đúng cam kết”, ông Bình nhớ lại.
“Hay nữa là khi tôi mắc nợ, chủ nợ này lại nợ Agribank và đang có nguy cơ phá sản. Biết rõ năng lực của tôi nên Agribank tìm đến tôi với đề nghị cho tôi vay tiền để tiếp tục sản xuất và trả nợ. Dĩ nhiên, Agribank cũng thu được nợ khi tôi trả nợ cho chủ nợ kia.

Lúc đó, tuy thua lỗ nhưng tôi lại thấy vui vì mình vẫn được tin tưởng, vẫn có uy tín hơn cả chủ nợ. Và tôi lại dựng lại cơ nghiệp từ “5 tỷ đồng niềm tin” của Agribank và bắt đầu lại bằng việc nuôi gà. Lần đó, tôi được một bài học đắt giá là trong kinh doanh và bù lại, từ thất bại đó, tôi có được mối ân tình không gì có thể đánh đổi với Agribank”, ông Bình chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục