Bánh kẹo nhái - “đến hẹn lại lên”!

16:45' - 09/01/2017
BNEWS Không khó để bắt gặp trên thị trường, đặc biệt ở các chợ quê, nhãn bánh ChocoPie của Orion bị nhái thành ChocoPai, nhãn bánh Salsa của Hữu Nghị được “hô biến” lại thành Sahute...

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo nhái theo các thương hiệu lớn đã bị phát hiện và xử phạt, nhưng mỗi dịp Tết đến, khi thị trường bánh kẹo nhộn nhịp cũng là lúc các mặt hàng nhái các thương hiệu lớn… “đến hẹn lại lên”!

Hàng nhái "tung hoành"

Tết Nguyên đán là cao điểm tiêu thụ bánh kẹo trong năm. Cứ mỗi dịp Tết đến, các doanh nghiệp bánh kẹo lại tung ra thị trường hàng chục nghìn tấn bánh kẹo phục vụ người tiêu dùng với nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú. Ăn theo sự sôi động của thị trường, các cơ sở sản xuất bánh kẹo nhái lợi dụng tung hoành “sáng tác” mẫu mã theo các thương hiệu lớn để trục lợi.

Hầu như tất cả các thương hiệu lớn từ trong nước (Hữu Nghị, Hải Hà…) đến những thương hiệu ngoại (Orion, Danisa…) đều được làm nhái giống đến mức kinh ngạc. Nếu không để ý, rất nhiều người sẽ nhầm lẫn vì mẫu mã của hàng nhái giống đến 99% so với hàng thật, chỉ khác cái tên. Thậm chí, nhiều cái tên cũng cố tình nhái cho thật giống với hàng thật để “qua mắt” người tiêu dùng. 

Không khó để bắt gặp trên thị trường, đặc biệt là ở các chợ quê có thể dễ dàng phát hiện nhãn bánh ChocoPie của Orion bị nhái thành ChocoPai, nhãn bánh Salsa của Hữu Nghị được “hô biến” lại thành Sahute, nhãn bánh Solite của Kinh Đô thành Salute...

Loại bánh cuộn Salsa của Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị bị nhái giống tới 99% với cái tên Khang Khang. Ảnh: BNEWS/TTXVN
…và Sahute’. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Bánh kẹo nhái có giá rất rẻ, có loại giá chỉ bằng 1/10 so với giá của hàng thật. Nhưng khi được tung ra thị trường, những sản phẩm này ngang nhiên được bán với giá tương đương. Chính vì thu được món hời lớn như vậy, không khó hiểu khi những cơ sở làm hàng nhái vẫn tiếp tục sản xuất mặc dù đã bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Thậm chí, một chủ cơ sở sản xuất bao bì từng nói: “Bây giờ làm giả rất nguy hiểm, nên nhiều cơ sở sản xuất chuyển qua làm nhái cho… lành và cách dễ làm nhất là dựa trên các bao bì hàng thật, các chủ hàng sẽ đặt làm giống hệt mẫu mã bao bì hàng thật về màu sắc, kích cỡ và chỉ thay đổi một vài chữ trên thương hiệu đó”.

Thực tế, hàng nhái bao bì này tiêu thụ ở các thành phố lớn rất dễ bị cơ quan chức năng phát hiện và khó qua mặt được người tiêu dùng sành sỏi. Tuy nhiên, nếu đưa về tiêu thụ ở các làng quê thì lại rất đắt hàng, phần vì giá rẻ, lại giống sản phẩm được quảng cáo trên ti vi, phần vì người tiêu dùng ở phân khúc thị trường này cũng không có nhiều kinh nghiệm để phân biệt hàng thật, hàng nhái. Điều đó lý giải tại sao hàng nhái vẫn có “đất” sống khỏe.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó trưởng phòng Marketing - Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cho biết: “Hàng giả được nhái quá tinh vi và hầu hết các sản phẩm nhái đều được tập trung phân phối ở ngoại thành, khu vực nông thôn hoặc tỉnh lẻ nên dễ dàng qua mắt người tiêu dùng. Đến nay, Công ty chưa hề ghi nhận ý kiến nào của khách hàng về việc sản phẩm bị làm nhái, mà hầu hết đều do nhân viên của công ty đi kiểm tra thị trường phát hiện”.

Chưa có chế tài thích đáng

Mặc dù tình trạng hàng giả tràn lan kéo dài nhưng các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cũng khó có thể đưa ra biện pháp mạnh tay để giải quyết. Phần vì chế tài xử phạt còn chưa xác đáng, phần vì các cơ sở làm giả sau khi bị xử phạt hoạt động rất kín kẽ, người bên ngoài rất khó xâm nhập.

Hơn nữa, để kết luận được hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ là cả một quá trình theo trình tự quy định của pháp luật, các công đoạn từ kiểm tra đến xử lý vi phạm hành chính, nhất là khâu giám định đối với hàng hóa vi phạm nên không nhiều doanh nghiệp kiên trì và có khả năng theo đuổi hành trình bảo vệ sự công bằng cho chính mình.

Thực tế hiện nay không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, chất lượng hàng hóa, nhưng lại quên không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường đã và sẽ phát triển. Vì vậy về phía doanh nghiệp, cần thiết lập bộ phận chuyên trách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng cẩm nang nhận biết hàng thật - hàng giả - hàng nhái; cung cấp các thông tin về việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả - hàng nhái nhằm cùng với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. 

Bánh trứng TIPO “xịn” của Công ty Hữu Nghị… Ảnh: BNEWS/TTXVN
…và hàng nhái…TIPPO. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Với người tiêu dùng, mặc dù các sản phẩm nhái sao chép về hình thức gần giống hệt với hàng thật nhưng với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không thể kiểm chứng được chất lượng. Vì vậy, nếu người tiêu dùng sơ ý hoặc theo tâm lý thích mua rẻ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cũng khuyến cáo:“Sản phẩm của Hữu Nghị được chỉ dẫn rõ thương hiệu và địa chỉ cụ thể trên bao bì. Người tiêu dùng cần cẩn trọng và kiểm tra kỹ khi mua sản phẩm. Thời gian này, Công ty cũng tăng cường công tác rà soát thị trường để kịp thời cung cấp cho chủ cửa hàng những thông tin về sản phẩm của công ty bị làm giả.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị cũng rất mong nhận được sự giúp đỡ của người tiêu dùng bằng việc thông tin lại cho công ty nếu phát hiện hàng giả hàng nhái, để kịp thời cảnh báo cũng như thông báo đến cơ quan chức năng”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục