Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2020"

14:30' - 12/01/2021
BNEWS Chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng quy định pháp luật đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ.

Ngày 12/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2020” để điểm lại một số quy định pháp luật đáng chú ý trong năm 2020.

Đây là những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh, theo đó phản ánh những vướng mắc, bất cập trong các quy định về điều kiện gia nhập thị trường và khung khổ pháp lý cho kinh tế số.

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương và đạt tốc độ tăng trưởng cao; trong đó, một phần quan trọng là do sự điều hành tỉnh táo, có hiệu quả của Chính phủ; nhất là việc cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phù hợp, hiệu quả; vượt qua khó khăn trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19...

Năm 2020, đã có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh.

Thực tế cho thấy, chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng các quy định pháp luật nói chung đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ.

Điều này cũng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thông qua việc giảm thiểu số lượng văn bản pháp luật, quy định mà doanh nghiệp phải theo dõi và tuân thủ. Công tác xây dựng pháp luật đã tập trung nhiều lên cấp Quốc hội và Chính phủ ban hành, giảm dần các văn bản ở cấp Bộ.

Các bộ đã ban hành 95 văn bản để cụ thể hóa, triển khai các luật, quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; góp phần vượt “bão COVID-19”; nhất là thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh.

Hiện, Việt Nam xếp thứ 49 về hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới. Năm qua, Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt để tổng rà soát, cắt giảm những quy định bất hợp lý...

Năm 2020 cũng ghi nhận sự cầu thị, tiếp thu và phản hồi những kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp của cơ quan chức năng.

Năm 2020 cũn ghi nhận việc bãi bỏ 7 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ tiếp thu và phản hồi ý kiến của doanh nghiệp là 55%, cao hơn 10% so với năm trước.

Mặc dù chất lượng cải cách, xây dựng văn bản pháp luật để hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt kết quả khá tích cực nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, đó là tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng, gây cách hiểu khác nhau trong các quy định pháp luật; có tình trạng nhiều quy định pháp luật được ban hành rất bất hợp lý và ẩn chứa nhiều vướng  mắc gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đơn cử, có trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu phải trình bày phương án kinh doanh với cơ quan chức năng; hay như việc có cách hiểu thiếu thống nhất giữa các bên về sự phân biệt giữa dược liệu và thực phẩm.

Ngoài ra, tình trạng kiểm tra, thanh tra cũng diễn ra phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp trong khi còn không ít trường hợp cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến, sau đó có văn bản giải đáp nhưng không giải quyết tận gốc vấn đề...

Từ đó, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục cải cách mạnh hơn, với tinh thần quyết liệt để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện cũng như sớm đứng trong nhóm quốc gia có chất lượng môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực ASEAN.

Cần mạnh dạn xóa bỏ tư duy cũ, có cách tiếp cận công tâm và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, theo thông lệ quốc tế để đưa ra những quy định thông thoáng, đúng đắn; từ đó phục vụ doanh nghiệp một cách đích thực và hiệu quả hơn.

VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp cũng đang nỗ lực rà soát, nhận diện rào cản và đề xuất các ý kiến cũng như bãi bỏ các quy định, văn bản bất hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.../. 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục