Báo cáo việc làm tháng 3/2023 chi phối thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua

14:15' - 08/04/2023
BNEWS Các chỉ số chứng khoán Phố Wall hầu hết tăng nhẹ sau khi báo cáo việc làm tháng 3/2023 cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi và lạm phát giảm nhẹ.
Trong phiên giao dịch rút ngắn hơn thông thường hôm 7/4 khi các thị trường chuẩn bị đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh, các chỉ số chứng khoán Phố Wall hầu hết tăng nhẹ sau khi báo cáo việc làm tháng 3/2023 cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi và lạm phát giảm nhẹ.

 
Chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, chỉ số công nghiệp Dow Jones cộng thêm 55 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang.

Báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy trong tháng 3/2023, các lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này đã tạo thêm 236.000 việc làm. Dữ liệu của tháng Hai cũng được điều chỉnh cao hơn với 326.000 việc làm được tạo thêm, thay vì 311.000 như báo cáo trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ xuống 3,5%, từ mức 3,6% trong tháng 2/2023.

Tính chung trong tuần kết thúc ngày 6/4, chỉ số S&P 500 đã mất 0,1%, phá vỡ chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp do một loạt dữ liệu về việc làm không mấy tích cực cho thấy suy thoái kinh tế có thể đang cận kề. Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm 1,1% trong tuần, trong khi chỉ số Dow tăng nhẹ.

Đầu tuần này, báo cáo việc làm trong lĩnh vực tư nhân của ADP đã cho thấy sự chậm lại đáng kể trong tháng 3/2023, dự liệu của Bộ Lao động cho thấy cơ hội việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cao hơn dự kiến.

Tuy nhiên, báo cáo việc làm công bố ngày 7/4 trái ngược với dữ liệu yếu kém đó và có khả năng gây chia rẽ giữa các nhà đầu tư. Một số người có thể thích nền kinh tế khỏe mạnh, trong khi một số khác có thể không ngại thị trường lao động suy yếu đôi chút để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút lại chiến dịch thắt chặt lãi suất đang diễn ra. Quyết định lãi suất tiếp theo của Fed là tại cuộc họp diễn ra ngày 3/5 tới.

Ian Lyngen, người đứng đầu mảng chiến lược tỷ giá của tập đoàn tài chính BMO Capital Markets (Mỹ), cho hay báo cáo về thị trường lao động tháng Ba “cung cấp thông tin cập nhật về tình hình việc làm, dọn đường cho Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), ủy ban chính sách của Fed, tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5/2023, dựa trên báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba, dự kiến công bố ngày 12/4 tới.

Bên cạnh báo cáo việc làm, các nhà đầu tư cũng lưu ý đến một bức thư gửi cổ đông từ Giám đốc điều hành (CEO) JPMorgan Chase, Jamie Dimon, hồi đầu tuần. Ông đã cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân hàng "vẫn chưa kết thúc" và cho biết lạm phát có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài, kéo theo thời gian các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cao cũng dài hơn.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết thời điểm để các ngân hàng tạm dừng đà tăng lãi suất và cân nhắc hướng đi tiếp theo có thể đã đến. Chuyên gia này nhận thấy hầu hết các ngân hàng trung ương hiện nay đang tỏ ra thận trọng và chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ nếu thực sự cần thiết.

Trong khi đó, nhà phân tích Richard Hunter tại công ty thương mại Interactive Investor cho biết những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng đã phủ bóng đen lên thị trường. Một số công bố của Mỹ cho thấy nền kinh tế đang bắt đầu suy yếu dưới áp lực của chính sách tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed, trong đó sự chú ý hiện đang chuyển sang quy mô của một cuộc suy thoái, thay vì quan ngại liệu suy thoái có xảy ra hay không.

Mặc dù các nhà giao dịch từ lâu đã hy vọng thị trường lao động thắt chặt và suy thoái kinh tế sẽ cho phép Fed ngừng nâng lãi suất, song hiện nay mối lo ngại về suy thoái kinh tế đang gia tăng.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết sự chậm lại liên tục ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới dự kiến sẽ kéo tăng trưởng toàn cầu xuống dưới mức 3% trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục