Báo chí cần làm gì để hỗ trợ phát triển du lịch?

15:08' - 22/05/2019
BNEWS Báo chí truyền thông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường hiểu biết về tình hình trong và ngoài nước nhất là du lịch.

Do đó, việc tuyên truyền thúc đẩy du lịch đặt ra yêu cầu cho báo chí truyền thông phải tăng cường phát triển rộng rãi, hợp tác trao đổi thông tin một cách nhanh chóng.

Để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo quốc tế “Vai trò của báo chí với sự phát triển du lịch” tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

* Báo chí với sự phát triển du lịch

Du lịch phát triển chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, các lĩnh vực khác trong xã hội. Du lịch không chỉ đơn giản là ngành kinh tế đem lại lợi nhuận cho mỗi quốc gia, mà du lịch còn có chức năng làm cầu nối cho các nền văn hóa, tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Để làm được điều đó, các nước cần có sự hỗ trợ của công tác thông tin tuyên truyền quảng bá.

Quang cảng buổi hội thảo. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Theo ông Hoàng Vinh Bảo, Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Việt Nam, nói đến vai trò của báo chí với sự phát triển du lịch không thể thiếu sự đồng hành của các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí, đã hỗ trợ cho sự phát triển của ngành du lịch tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng kế hoạch đẩy mạnh hoạt động truyền thông về du lịch, qua đó tạo đột phá trong nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch bền vững và hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Phó Tổng Giám đốc Đài phát thanh Quốc gia Lào Valasak Pravongviengkham cho hay, những năm qua, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển du lịch của Lào như bảo vệ môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội; mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân địa phương và củng cố phát triển đời sống của cư dân bản địa; đóng góp trong việc gìn giữ bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh đó, báo chí còn đáp ứng nhu cầu du lịch vui, bổ ích, đáng nhớ đối với khách du lịch thông qua việc tạo cơ hội liên lạc và tiếp cận thực tế với cuộc sống của người dân địa phương. Báo chí cũng giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, xã hội và môi trường của cư dân địa phương.

TS Vũ Thị Thanh Tâm, Giám đốc Kênh truyền hình Vietnam Journey, Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn ra ví dụ về Ghana, một quốc gia nhỏ nghèo ở châu Phi, mới bắt đầu phát triển du lịch từ năm 1996. Đến năm 2019, Ghana đã trở thành điểm đến thứ 4 trong số 19 quốc gia hàng đầu nên đến (theo CNN Travel) hay Ngân hàng Thế Giới cũng xếp Ghana là 1 trong 2 quốc gia có thu nhập dưới trung bình ở châu Phi đạt được thành công trong phát triển du lịch. Kinh nghiệm mà Ghana rút ra trong việc xây dựng hình ảnh đẹp về quốc gia, đất nước, đó là phối hợp tốt với báo chí truyền thông để quảng bá du lịch. Họ nhận thấy báo chí truyền thông có vai trò lớn đối với du lịch. Đây cũng là điều mà các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia châu Âu, châu Á đã nhìn ra và một số quốc gia đã thu được những kết quả ấn tượng.

Việt Nam đang trên đường hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch của thế giới với du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, việc xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam thông qua báo chí truyền thông là rất quan trọng, TS Vũ Thị Thanh Tâm khẳng định.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh luôn có sự đồng hành, ủng hộ chung tay đóng góp của các ngành, lĩnh vực khác. Trong đó, báo chí truyền thông đóng vai trò ngoại lực tạo nên cú huých cho du lịch Quảng Ninh thay đổi diện mạo như hiện nay. Những chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh được các cơ quan báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế tích cực đưa tin.

"Thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông những giá trị nổi bật của của di sản thế giới vịnh Hạ Long được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Báo chí, truyền thông là kênh quảng bá tích cực hiệu quả cho việc bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững. Thông qua báo chí, truyền thông, độc giả trở thành đối tượng khách du lịch. Chính khách du lịch đã khai thác cho chuyến đi của mình thông qua các việc tìm kiếm các thông tin về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng". Ông Trịnh Đăng Thanh chia sẻ thêm.

* Báo chí cần làm gì để hỗ trợ phát triển du lịch

Tuyên truyền, quảng bá là hoạt động cần thiết và quan trọng trong xúc tiến du lịch được nhìn nhận là một đầu tư dài hạn, nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch tiềm năng, tăng số lượng khách du lịch quay lại điểm đến, kích thích sự chi tiêu của du khách, góp phần thu hút đầu tư du lịch.

Thông qua báo chí truyền thông để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận định, mỗi cơ quan truyền thông cần phải chủ động trong việc đưa ra chiến lược truyền thông dài hạn, phát triển các kênh, các loại hình truyền thông, biết tận dụng lợi thế của công nghệ số hiện đại. Và trên hết phải đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp để tạo ra hiệu quả cao cho công tác tuyên truyền. Các kênh truyền thông, các cơ quan báo chí còn cần sự đồng bộ, tương tác để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là phát triển du lịch.

Ông Pinprathana Phanthamaly, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, các nước nên thành lập cơ quan truyền thông báo chí kiểu cũ và truyền thông kiểu cũ và truyền thông kiểu mới (như trang mạng, mạng xã hội) đi sâu vào công tác văn hóa và du lịch có chất lượng cao, thuyết phục, có khả năng đáp trả thông tin tiêu cực.

Bà Thu Lan, Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình kiến nghị, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phát triển du lịch, ngành cần có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể về việc quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như các địa phương trên mạng xã hội. Địa phương nên tổ chức các giải báo chí, các cuộc thi, triển lãm ảnh về du lịch hay cần có chiến lược truyền thông cụ thể về tuyên truyền quảng bá hình ảnh địa phương và Việt Nam ra thế giới.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, truyền thông có vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển du lịch nói chung và phát triển bền vững du lịch di sản nói riêng. Để khai thác sức mạnh truyền thông trong phát triển bền vững du lịch, các ngành cần chuẩn bị thông điệp truyền thông về các giá trị cốt lõi của di sản cũng như các quy định, hướng dẫn về các nguyên tắc bảo tồn di sản trong quá trình phát triển. Thêm nữa là hướng dẫn truyền tải thông điệp đến các chủ thể của điểm đến du lịch di sản, bao gồm cơ quản quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và các cộng đồng, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, việc tổ chức sự kiện xúc tiến, sử dụng các công cụ truyền thông để truyền tải thông tin cũng rất cần thiết.

Còn theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, để tăng cường quản lý và tổ chức công tác thông tin tuyền truyền nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, trong thời gian tới, ban quản lý sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền, quảng bá về di sản vịnh Hạ Long thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xem xét bổ sung nguồn kinh phí sử dụng cho công tác tuyên truyền trên cơ sở các hoạt động tuyên truyền trong năm. Thêm nữa, ban quản lý cũng chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục