Báo Czech: Đông Âu có thể được hưởng lợi nếu Anh rời EU

06:33' - 21/06/2016
BNEWS Các nước Đông Âu sẽ được hưởng lợi từ quá trình tăng cường liên kết trong EU nếu Anh rời khỏi liên minh.
Báo Czech: Các nước Đông Âu có thể được hưởng lợi nếu Anh rời EU.Ảnh: businessadvice

Châu Âu sẽ ra sao nếu nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)? Dưới đây là bài phân tích của nhà bình luận Jan Machacek đăng trên tờ Lidove noviny của CH Czech.

Việc Anh rời khỏi EU có khả năng sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập về kinh tế và thể chế trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Pháp đã và đang thúc đẩy việc nâng cao năng lực quản lý kinh tế và hoạch định chính sách tài khóa chung trong Eurozone.

Paris cho rằng hoạt động của Eurozone hiện đang phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với tư cách là trụ cột duy nhất. Mặc dù ECB đã trở nên tích cực và năng động hơn bao giờ hết song điều này là chưa đủ.

Eurozone cần phải xây dựng các chính sách chung về bảo hiểm tiền gửi, mức thuế, chính sách tài khóa… Nhiều khả năng Pháp sẽ đẩy mạnh tiến trình đồng bộ hóa chính sách trong Eurozone khi Anh, nước theo đuổi các chính sách kinh tế tự do, nhấn mạnh tính cạnh tranh thay vì đồng bộ hóa chính sách, rời EU.

Các nước Nam Âu chung quan điểm với Pháp cũng đang mong muốn thiết lập các tổ chức chung với quy mô tài chính lớn hoặc ít nhất là thống nhất các dự án đầu tư chung trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Đối với Đức, việc tăng cường liên kết tài chính trong EU đồng nghĩa với việc gia tăng kiểm soát, áp dụng các quy định chặt chẽ hơn. Một số người Đức đang mong muốn ngân sách của tất cả các nước trong EU sẽ áp dụng theo mô hình của Đức hiện nay.

Trong quá khứ người Đức có xu hướng phản đối kế hoạch quản trị kinh tế trong Eurozone do Pháp đề xuất. Đức không muốn "chọc giận" người Anh và mong muốn duy trì mối quan hệ gần gũi với London, một quốc gia không nằm trong Eurozone.

Nhưng nếu Anh rời khỏi EU thì có khả năng Đức sẽ xem xét lại chính sách này cũng như sự khác biệt trong mô hình, cách thức tăng cường liên kết kinh tế, tài chính với các nước thành viên còn lại của EU.

Các nước Đông Âu sẽ được hưởng lợi từ quá trình tăng cường liên kết trong EU nếu Anh rời khỏi liên minh. Với thỏa thuận đạt được gần đây giữa Anh và EU thì dù Anh có ở lại hay ra đi, chắc chắn trong tương lai tiếng nói của các nước Trung và Đông Âu, trong đó có nhiều nước đang cân nhắc về việc gia nhập Eurozone, sẽ mạnh hơn.

Một trong những điểm quan trọng trong thỏa thuận mà Thủ tướng David Cameron đạt được với các nhà lãnh đạo EU trước đó là cho phép các nước không phải là thành viên Eurozone tham dự các cuộc họp quan trọng của khối này, mặc dù không có quyền bỏ phiếu.

Tuy nhiên, châu Âu và các nước khu vực Trung và Đông Âu cũng sẽ phải đối mặt với các tác động tiêu cực của vấn đề này. EU sẽ mất đi một thành viên có sức mạnh và vai trò quan trọng trong các chính sách đối nội và đối ngoại, nhất là trong quan hệ với Nga.

Bên cạnh đó là những tác động tiêu cực, nhất là đối với xu hướng tự do thương mại nội khối và nguy cơ gia tăng can dự của nhà nước vào nền kinh tế.

Kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của tổ chức Opinium/Observer trước ngày diễn ra trưng cầu ý dân 23/6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ rời khỏi EU và ở lại hiện ngang bằng nhau là 44% trong khi 10% chưa quyết định, cả hai phe đang tận dụng những ngày ít ỏi còn lại để lôi kéo những cử tri còn do dự cũng như thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn của mình.

Tuy vậy, trong bối cảnh dư luận Anh còn chưa hết bàng hoàng sau vụ sát hại nữ nghị sĩ Jo Cox - một người ủng hộ ở lại EU và là nhà vận động không mệt mỏi bảo vệ người nhập cư ở Anh - cả hai phe cho biết họ sẽ thay đổi hình thức vận động theo hướng điềm đạm hơn.

Theo cuộc thăm dò dư luận được Opinium/Observer thực hiện trực tuyến với hơn 2.000 người tham gia, 79% nói rằng họ sẽ không thay đổi ý định. Trong số những cử tri ủng hộ ở lại EU, 77% nói rằng họ sẽ không thay đổi trong khi tỷ lệ khẳng định sẽ "không dao động" ở phe ủng hộ rời khỏi EU là 81%.

Trong số 10% chưa có quyết định cuối cùng, 36% có xu hướng chọn ở lại và 28% có xu hướng chọn ra đi. Giới quan sát nhận định dù kết quả thế nào, cuộc trưng cầu ý dân cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục