Bảo đảm sự an toàn môi trường kinh doanh thương mại điện tử

16:24' - 29/11/2024
BNEWS Các nền tảng thương mại điện tử đã kết nối hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.

Chiều 29/11 tại Hà Nội, Viện ứng dụng khoa học công nghệ và luật pháp (STLA) phối hợp cùng Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Giao dịch thương mại điện tử: Pháp lý và Thực tiễn".

Khai mạc tọa đàm, Luật sư. Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự, Chủ tịch Viện STLA cho biết: Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các nền tảng thương mại điện tử đã kết nối hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.

 

Mặc dù thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, nhưng không phải là không có những vấn đề cần giải quyết; trong đó, các vấn đề pháp lý luôn là một thách thức lớn, khi hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn một số khoảng trống và bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin, chống gian lận thương mại, thuế, hợp đồng điện tử... đang là những vấn đề nóng được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm. Đây chính là lý do cần thảo luận về các vấn đề pháp lý và thực tiễn đang tồn tại trong thương mại điện tử.

TS. Nguyễn Đức Tài, Giám đốc điều hành Viện STLA cho hay, với sự bùng nổ của công nghệ số và internet, thương mại đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức kinh doanh, tiếp thị số và giao dịch. Tuy mang lại nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế số, kinh tế nền tảng, nhưng thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý, như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử, thuế và nghĩa vụ tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân, giao dịch xuyên biên giới và tranh chấp quốc tế...

Tại Việt Nam, các quy định pháp lý về thương mại điện tử đã được cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề thực tiễn cần giải quyết như: cải thiện hệ thống pháp lý mà cụ thể là tình trạng chồng chéo, không đồng bộ, các quy định chưa theo kịp sự phát triển, quản lý thuế chưa hiệu quả, tình trạng sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái được bày bán trên sàn thương mại điện tử nhưng thiếu các biện pháp kiểm soát hoạt xử lý nhất là khi xảy ra tranh chấp, tình trạng lộ lọt thông tin và dữ liệu cá nhân nhất là với những trường hợp thương mại xuyên biên giới...

Trước những vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Tài cho rằng, để thương mại điện tử phát triển bền vững, cần có một khung pháp lý hoàn thiện; đồng thời các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý phải thực thi nghiêm túc các quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường thương mại điện tử. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống pháp lý, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong tương lai.

Bình luận về thực trạng quản lý thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Quang Hồng cho hay, gần đây đã các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động như Temu, Shein, 1688...Vì vậy, để thương mại điện tử đi nào hoạt động nề nếp, qui củ phát huy thế mạnh tích cực đối với nền kinh tế gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng, cần triển khai các công việc trong tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực thương mại điện tử như: tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, người kinh doanh và người dân về luật pháp và tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng và người sản xuất trên không gian mạng; cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng và doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm tra, rà soát để phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử bao gồm cả livesstream bán hàng và quảng cáo bán hàng, kể cả doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và kinh doanh công nghệ, đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không trung thực trong kê khai, nộp thuế kinh doanh theo quy định; tăng cường các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cần thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử cá nhân để phòng ngừa các hành vi giả danh để gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử. Có giải pháp công nghệ để giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường mạng, phát hiện và xử lý các hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và sở hữu trí tuệ; vận hành và quản lý chặt chẽ hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử để kịp thời phát hiện lừa đảo, gian lận trong thanh toán điện tử, PGS.TS Nguyễn Quang Hồng khuyến nghị.

Có thể thấy, trong "Kỷ nguyên vươn mình" của Việt Nam, thương mại điện tử của  Việt Nam đối diện với cả cơ hội lẫn thách thức. Để đạt được sự bền vững, cần có các chính sách pháp lý đồng bộ và nền tảng công nghệ ổn định nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, và hiệu quả. Trong bối cảnh này, Chính phủ và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy chuyển đổi số, và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm thương mại điện tử phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục