​Quản trị hiệu quả tài nguyên nhãn hiệu tại doanh nghiệp

16:37' - 28/11/2024
BNEWS Hội nhập kinh tế mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường quốc tế nhưng cũng nhiều thách thức trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cả ở trong và ngoài nước.

Ngày 28/11 tại Hà Nội, Viện Phát triển doanh nghiệp (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức hội thảo với chủ đề "Tài nguyên nhãn hiệu: Tối đa hóa giá trị và bảo vệ quyền lợi". Sự kiện thu hút đông đảo giới nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và quản trị doanh nghiệp cùng báo giới. 

Khai mạc hội thảo, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho hay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở thành xu thế phát triển khách quan của mọi quốc gia, quyền sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành công cụ chủ lực giúp doanh nghiệp thiết lập thế độc quyền và hợp pháp hóa khả năng khai thác giá trị từ các thành quả sáng tạo, định vị thương hiệu, xây dựng uy tín, nhằm mở rộng thị phần cũng như bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.  

Với việc đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP),… quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế nhưng cũng đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Do đó, vấn đề bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

 

Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, qua đó, tạo nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ đồng thời khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Cùng với đó, việc quản lý và hỗ trợ thúc đẩy thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai mạnh mẽ thông qua vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức như Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) hay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nhờ đó mà việc nhận thức và hành động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây.

Ông Lương Minh Huân cho biết thêm, doanh nghiệp Việt Nam đã có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu, ngày càng nhiều các thương hiệu Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế như Vinfast, Vinamilk, FPT, Viettel, Trung Nguyên… Số lượng thương hiệu quốc gia được tăng lên đáng kể: từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp đạt có sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2024, điều đó đã cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance đánh giá, giá trị thương hiệu Việt Nam năm nay xếp thứ 32 trong số 193 quốc gia được đánh giá và đạt 507 tỷ USD, tăng một bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm ngoái.

Việt Nam không chỉ lọt top 100 nước có thương hiệu mạnh, mà còn là nước có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022. Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp đã luôn nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh việc tăng cường kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế. VCCI cũng triển khai các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho các doanh nghiệp; trong đó, có việc hiểu rõ về quyền bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ. VCCI cũng có đơn vị tư vấn xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các doanh nghiệp đó là Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ VCCI-IP; đồng thời, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về xây dựng và bảo hộ thương hiệu nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp các giải pháp để xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Tại hội thảo, ông Lê Xuân Lộc, Luật sư thành viên - Giám đốc Sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH T&G, thành viên Ban Pháp chế VIPA  chia sẻ những kiến thức tổng quan về luật nhãn hiệu tại Việt Nam, các nước ASEAN, Hoa Kỳ, và Liên minh châu Âu. Qua đó, giới thiệu những điều ước quốc tế quan trọng về/liên quan đến nhãn hiệu, những dấu hiệu được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu, căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, cơ chế bảo hộ nhãn hiệu và việc gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu...

Nhằm mục đích đem lại những kiến thức và công cụ cần thiết để quản lý, bảo vệ tài sản trí tuệ và nhãn hiệu, thương hiệu cho doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực quốc tế, hội thảo đã tạo một diễn đàn sôi nổi, cơ chế thảo luận hiệu quả dành cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia sở hữu trí tuệ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục