Bảo đảm thống nhất hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng

09:44' - 09/07/2024
BNEWS Bảo hiểm là một công cụ quản trị rủi ro đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng. Do đó, rất cần những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thống nhất hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Từ ngày 1/7, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã chính thức có hiệu lực thi hành. Điểm nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay. 

Cụ thể, nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. 

Hiện các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm đang có cách hiểu khác nhau về quy định này, khiến doanh số của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sụt giảm do hoạt động liên kết bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phẩn Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank - ABIC), hoạt động bancassurance của doanh nghiệp này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số cách hiểu chưa rõ ràng về Khoản 5, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

“Tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều thấy rõ. Trước mắt, trong lúc chờ những quy định hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết, hiện nhiều Chi nhánh của Agribank trên toàn quốc đã tạm dừng hoạt động bancassurance. Đây không chỉ là thiệt thòi với riêng Bảo hiểm Agribank, mà là thiệt thòi với cả người vay vốn tại Agribank cũng như chính Agirbank khi một trong những điều kiện đảm bảo an toàn nguồn vốn bị hạn chế”, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết. 

Cùng tình trạng này, bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank – VBI) cho hay, chỉ trong 2 ngày đầu tiên của tháng 7, doanh số bán bảo hiểm của Bảo hiểm VietinBank sụt giảm 50%. 

“Nếu không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về điều khoản quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức thì doanh số của ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ suy giảm nghiêm trọng”, bà Bùi Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV - BIC) đề nghị các cơ quan cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn luật, trong đó, hướng dẫn cụ thể, giải thích rõ ngữ nghĩa của các câu từ trong luật như “gắn” là thế nào; “dưới mọi hình thức” là gì…

Còn Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank - ABIC Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang đi tìm câu trả lời cho khái niệm thế nào là “gắn kèm”.

"Chúng tôi rất mong chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Trong đó, nên quy định rõ là các ngân hàng không được đưa vào các hợp đồng tín dụng bắt buộc mua bảo hiểm thì mới giải ngân. Nhưng các công ty bảo hiểm, đại lý có quyền tư vấn sản phẩm bảo hiểm này tốt, mua sẽ bảo đảm an toàn khoản vay nếu không may xảy ra sự cố... Nếu có hướng dẫn rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động liên kết bảo hiểm - ngân hàng, đồng thời không để xảy ra những khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm", ông Nguyễn Hồng Phong kiến nghị.

Ông Nguyễn Hồng Phong cũng khẳng định Bảo hiểm Agribank - ABIC và một số doanh nghiệp bảo hiểm khác như BIC, VBI đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và việc tư vấn, bán bảo hiểm cho khách hàng trên tinh thần tự nguyện, không có hiện tượng ép buộc. 

Những lùm xùm về bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đầu tư thời gian qua buộc cơ quan quản lý phải siết chặt hơn nữa hoạt động chào bán bảo hiểm của các ngân hàng. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và ngân hàng, không nên đánh đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ để có cơ chế quản lý phù hợp.

“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và đều muốn có biện pháp quản lý, quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Bảo hiểm phi nhân thọ chính là một công cụ quản trị rủi ro. Chúng ta nghĩ tài sản bảo đảm để đảm bảo khoản vay của ngân hàng. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, nhiều khoản vay tín chấp, không có gì bảo đảm hay nhiều khoản vay, tài sản bảo đảm chỉ là một phần thôi. Chưa kể nếu có rủi ro, tỷ lệ nợ xấu lên cao thì tổ chức tín dụng phải chịu. Vì vậy, nếu có bảo hiểm là một phương tiện, công cụ quản trị rủi ro thì quyền lợi của khách hàng và ngân hàng đều được bảo toàn. Do đó, rất cần những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để bảo đảm thống nhất hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng”, ông Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục