Báo động hệ sinh thái rừng và sông Amazon

07:00' - 06/10/2024
BNEWS Mực nước của sông Rio Negro, một trong những nhánh phụ lớn của sông Amazon, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu theo dõi các số liệu cách đây 122 năm.

Thực tế này phản ánh đợt hạn hán nghiêm trọng đang đe dọa rừng Amazon, ảnh hưởng tới sông Amazon và các khu vực lân cận.

 

Cụ thể, tại cảng Manaus, mực nước của sông Rio Negro chỉ còn 12,66 m, thấp hơn nhiều so với mức bình thường khoảng 21 m. Các chuyên gia dự báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn trong những tuần tới khi lượng mưa tiếp tục giảm.

Hạn hán nghiêm trọng không chỉ đe dọa hệ sinh thái rừng Amazon mà còn gây khó khăn cho sinh kế của cộng đồng cư dân sống dựa vào rừng và sông Amazon. Nhiều hoạt động kinh tế gắn với sông như vận tải, đánh bắt cá và du lịch bị đình trệ.

Giao thông đường thủy bị đình trệ. Các con tàu không thể di chuyển trên sông do mực nước quá thấp, gây ra gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Trong khi đó, việc cung cấp nước sinh hoạt gặp khó khăn. Nguồn nước sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân cư phụ thuộc vào sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc người dân phải đi xa hơn để tìm nguồn nước sạch. Hạn hán cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy thủy điện  - vốn là nguồn cung cấp điện chính ở Brazil.

Thời tiết khắc nghiệt và khô hạn đang tác động đến nhiều nước ở Nam Mỹ khi nước sông Paraguay cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại. Con sông này bắt nguồn từ Brazil, chảy qua Paraguay và Argentina ra Đại Tây Dương. Hạn hán là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng dữ dội ở Amazon và Pantanal, vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới. Bolivia đang chứng kiến số vụ cháy rừng cao kỷ lục.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán nghiêm trọng này là do biến đổi khí hậu, làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa. Ngoài ra, còn phải kể đến nạn phá rừng. Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến Brazil mà còn tác động ở góc độ toàn cầu vì rừng Amazon đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Việc rừng bị tàn phá và sông bị cạn kiệt sẽ làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, đẩy nhanh quá trình Trái Đất ấm lên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục