Bảo dưỡng xe máy dịp cuối năm: Những lưu ý cần biết

06:46' - 16/01/2018
BNEWS Mỗi dịp cuối năm Âm lịch, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa xe máy thường cao hơn các tháng với mong muốn trong năm mới chiếc xe được vận hành an toàn và đảm bảo. Vậy xe máy cần được bảo dưỡng những gì?
Bảo dưỡng xe máy tưởng chừng quen thuộc nhưng luôn là câu hỏi của nhiều người. Ảnh: YMV

Theo nhà sản xuất xe máy đến từ Nhật Bản là Yamaha Motor Việt Nam, bảo dưỡng xe máy là một trong những việc cần thiết phải được thực hiện nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư hỏng của xe sau quá trình sử dụng.

Việc bảo dưỡng xe không đòi hỏi nhiều công sức và thời gian nhưng mang lại nhiều giá trị cho chiếc xe trong quá trình sử dụng.

Để đảm bảo an toàn, tránh những bệnh lặt vặt, xe máy cần được bảo dưỡng định kỳ 4 tháng/lần. Các bộ phận xe máy cần bảo dưỡng định kỳ:

Thay dầu máy: Theo thời gian, dầu máy trong xe trở nên kém chất lượng làm giảm khả năng bôi trơn. Do vậy, người sử dụng cần thay dầu cho xe theo định kỳ khoảng 2.000-3.000 km một lần để xe luôn vận hành êm ái.

Ngoài ra, cũng nên thay dầu xe máy sau khi xe bị ngập nước. Để xe được thay dầu với chất lượng tốt nhất, người sử dụng nên thay dầu theo đúng tiêu chuẩn được hãng xe đề nghị.  

Thay dầu máy cho xe định kỳ 2.000 – 3.000 km/lần để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành êm ái. Ảnh: YMV

Thay dầu phanh và má phanh: Má phanh là bộ phận chuyển động năng thành nhiệt năng, giúp xe giảm tốc, do đó sẽ mòn dần theo thời gian.

Má phanh mòn là một trong những nguyên nhân gây vênh đĩa phanh. Về lâu dài nếu không thay má phanh mới, trường hợp nặng bạn sẽ phải thay luôn cả đĩa phanh.

Bên cạnh đó, dầu phanh có thể bị nhiễm tạp chất sinh ra bọt khí trong quá trình hoạt động, làm giảm hiệu quả phanh hoặc làm phanh cứng, giật. Do đó, người sử dụng nên kiểm tra, thay mới má phanh, thay dầu phanh sau mỗi 15.000 – 20.000 km.

Bugi: Bugi là bộ phận đánh lửa đốt cháy nhiên liệu và sinh công suất cho xe. Đầu bugi mòn sẽ gây hiện tượng đánh lửa không đều, động cơ hụt hơi, hao xăng. Mặc dù bugi là một bộ phận có độ bền cao nhưng người sử dụng cũng nên kiểm tra và thay thế định kỳ 10.000 km/lần để xe luôn vận hành tốt nhất.

Nên kiểm tra và thay bugi định kỳ 10.000 km/lần. Ảnh: YMV
Dầu láp: Dầu láp ít hao mòn hơn so với dầu máy. Tuy nhiên người sử dụng cũng nên lưu ý thay dầu láp theo định kỳ, cứ 3 lần thay dầu máy thì nên thay dầu láp 1 lần.

Bởi khi dầu láp khô, nhiễm bẩn sẽ gây tiếng ồn lớn, giảm hiệu quả của hệ thống truyền động. Nếu tình trạng nặng hơn có thể gây vỡ láp, mất truyền động.

Lọc gió: Nhiệm vụ của lọc gió là đưa luồng không khí sạch vào khoang nhiên liệu trước khi đốt cháy. Lọc gió bẩn sẽ khiến xe chạy yếu, không đốt cháy hết nhiên liệu, hao xăng.

Tùy vào loại lọc gió của mỗi dòng xe mà có thể vệ sinh hoặc thay mới nhưng tốt hơn hết nên kiểm tra lọc gió theo định kỳ 10.000 km/lần.

Dây cu - roa: Dây cu - roa là bộ phận truyền động chính của xe, thường xuyên chịu lực căng lớn vì vậy rất dễ mòn dẫn đến xe ì ạch, nóng máy. Nếu dây quá mòn có thể bị đứt, gây mất truyền động. Do đó người sử dụng xe cần phải thay thế ngay khi dây có dấu hiệu bị nứt.

Ngoài hệ thống đại lý chính hãng của nhà sản xuất, người tiêu dùng đưa xe máy đi sửa chữa ở các cửa hàng bên ngoài cũng nên "chọn mặt gửi vàng" kẻo "tiền mất tật mang" mà không biết kêu ai. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Nước làm mát: Hầu hết xe tay ga hiện nay đều sử dụng hệ thống làm mát bằng chất lỏng. Nếu xe mất quá nhiều nước mát sẽ khiến xe nóng máy, nghiêm trọng có thể vỡ lốc máy.

Do đó người sử dụng cũng nên kiểm tra nước làm mát cho xe, định kỳ khoảng 10.000 km/lần, đặc biệt sau những chuyến đi dài, đèo dốc.

Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần bảo dưỡng cổ phốt, giảm sóc trước/sau, tra dầu tay ga cũng như dây ga, chế hoà khí, rửa bầu lọc khí, chỉnh chế độ nhiên liệu, căn chỉnh xúp páp, điều chỉnh côn, đổ thêm nước nạp ắc quy nếu là bình nước.

Đối với xe phun xăng điện tử, cần kiểm tra và vệ sinh vòi phun, kiểm tra/thay thế lọc bơm xăng (nếu cần), kiểm tra hoạt động các cảm biến, các chi tiết trong hệ thống phụ xăng.

Ngoài ra, cũng bảo dưỡng nhông xích tải, tra mỡ trục càng sau, kiểm tra cần khởi động, giàn để chân, xiết lại toàn bộ ốc trên hệ thống khung xe và công đoạn cuối cùng là rửa xe./.

Xem thêm:

>>>Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe máy: Không dễ “chọn mặt gửi vàng”

>>>Doanh số bán hàng của xe máy một tháng bằng cả năm bán ô tô

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục