Bảo hiểm thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí của ngân hàng

15:26' - 19/07/2022
BNEWS Báo cáo kết quả kinh doanh của một số ngân hàng đã được công bố đều ghi nhận lợi nhuận lớn từ mảng bancassurance như dịch vụ phân phối, bán chéo bảo hiểm.

Bên cạnh việc tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm, mảng phân phối bảo hiểm (bancassurance) đang tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng, dự kiến tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí của ngân hàng thời gian tới.

Báo cáo kết quả kinh doanh của một số ngân hàng đã được công bố đều ghi nhận lợi nhuận lớn từ mảng bancassurance như dịch vụ phân phối, bán chéo bảo hiểm.

Ngân hàng TPB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vổng thu nhập hoạt động của TPB đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.192 tỷ đồng, tăng 71,56% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, mở tài khoản, bán chéo bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 14,6% tổng thu nhập, tăng gần 3,5% so với thời điểm 30/6/2021.

Đối với Ngân hàng MB luỹ kế 5 tháng đầu năm, doanh số bảo hiểm qua ngân hàng gần 800 tỷ đồng. Riêng, tháng 5 đạt 197 tỷ đồng doanh số bảo hiểm khai thác mới (APE). MB vận hành Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life với tỷ lệ sở hữu là 61% và sở hữu 68,4% cổ phần tại Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ MIC. Với mô hình sở hữu công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sẽ nhận được khoản phí trả trước và cả những khoản hoa hồng từ các công ty này trong tương lai.

Theo quan sát của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng 7,1% trong những tháng đầu năm so với cùng kỳ năm và hoạt động bán chéo bảo hiểm đang được đẩy mạnh.

Về thị phần, MBB, ACB đang đứng đầu thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance, với hơn 10%. Tiếp đó là STB với 9%, VIB và HDB với 8%, và TCB 7%...

Nhìn chung, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đang đứng đầu xét về số lượng khách hàng và mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Các ngân hàng thương mại khác cũng có tệp khách hàng quy mô lớn.

Các chuyên gia đánh giá, khối ngân hàng có lợi thế cạnh tranh đối với mảng bancassurance, bởi các ngân hàng có mạng lưới hoạt động rộng lớn và tệp khách hàng tiềm năng. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong việc bán bảo hiểm khi các công ty bảo hiểm đa quốc gia còn hạn chế về hệ thống phân phối và cơ sở khách hàng.

 

Thị trường bancassurance vẫn còn thiếu các sản phẩm đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng

Cùng với đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân ở mức thấp. Số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Bộ Tài chính dự kiến nâng tỷ lệ này lên 15% vào năm 2025.

Trên cơ sở này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, việc bán bancassurance sẽ trở thành 1 trong 2 nguồn tăng tưởng từ khoản phí thu được của các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Đơn cử, Ngân hàng VPB đang triển khai phân phối 2 hợp đồng bảo hiểm song song: bảo hiểm nhân thọ với AIA và bảo hiểm phi nhân thọ với OPES. Ngân hàng VIB đang đàm phán lại giá trị hợp đồng bảo hiểm với Prudential. Ngân hàng LPB đang đàm phán với các đối tác khi hợp đồng với Dai-ichi Life vừa hết hạn trong tháng 5. Hay HDB đàn xem xét, ký đàm phán hợp đồng độc quyền bảo hiểm với đối tác độc quyền bảo hiểm.

FSC kỳ vọng vọng doanh thu từ bancassurance sẽ đóng góp nhiều hơn vào tổng thu nhập phi, khoảng 50% trong thời gian tới. Năm 2021, khoản này đóng góp trung bình khoảng 37% trong 17 ngân hàng niêm yết vào tổng thu nhập phí của các ngân hàng.

Ngoài việc đóng góp vào thu nhập phí, bancassurance còn giúp các ngân hàng khái thác thêm nhiều lợi ích khác từ khách hàng mà không phải tiêu tốn nhiều vốn của ngân hàng, từ đó giúp thúc đẩy lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hay lợi nhuận trên vốn (ROE) của các ngân hàng.

Tuy vậy, giới phân tích đánh giá, thị trường bancassurance còn thiếu các sản phẩm đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng.

Các chuyên gia của FSC cho rằng, hầu hết các sản phẩm bancassurance đều kết hợp giữa việc tiết kiệm và quản trị rủi ro, hoặc tiết kiệm và đầu tư, sự kết hợp này có thể gây mâu thuẫn với hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Do đó có thể tác động đến việc bán các sản phẩm bancassurance trong điều kiện thanh khoản trên thị trường ngân hàng ở mức thấp.

Phiên giao dịch sáng 19/7, cổ phiếu đang chịu áp lực điều chỉnh chung của toàn thị trường. Cổ phiếu TPB đóng cửa phiên ở mức 27.100 đồng, MBB ở mức 25.100 đồng, ACB ở mức 23.850 đồng, VCB ở mức 72.000 đồng, VIB ở mức 24.250 đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục