Cạn room tín dụng, ngân hàng vẫn lãi lớn?

09:53' - 12/07/2022
BNEWS Tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn mức (room) tín dụng tại một số ngân hàng đã gần chạm trần, liệu lợi nhuận ngân hàng còn có khả năng tiếp tục tăng trưởng ở mức cao?

*Rục rịch báo lãi

Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) ghi nhận lợi nhuận quý II tăng trưởng mạnh tới 73% so với cùng kỳ.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế tính riêng trong quý II của TPBank đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với kết quả của quý I và cao hơn 73% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.

 
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm năm 2022.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cũng ước tính sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022, Eximbank dự báo tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021.

Tuy chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng cập nhật đến hết tháng 5/2022, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) cho biết tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đã đạt mức 30% và dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo Vietcombank, cơ sở cho dự báo này là sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng kể từ đầu năm tới nay, trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lại đang tiếp đà tăng ấn tượng. Điều này đã góp phần lớn giúp Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao.

Cập nhật kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho biết các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2022 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I/2022, đúng như kỳ vọng của gần 80% các tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước.

Nhiều dự báo khả quan về kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm cũng được các công ty chứng khoán đưa ra. Theo đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ước tính tổng lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng trong quý đầu năm đã tăng 31,7% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức 7,7% của quý IV/2021, đóng góp 12,3% vào tổng lợi nhuận ròng thị trường.

VNDIRECT đánh giá tiếp nối đà tăng trưởng trên, ngành ngân hàng quý II vẫn sẽ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, dù gặp nhiều thách thức.

Sự khởi sắc của nền kinh tế, sự phục hồi trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp kéo theo nhu cầu tín dụng tăng mạnh là một trong những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của ngân hàng trong quý vừa qua.

Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất nhích tăng đã giúp hút lượng lớn tiền gửi của người dân về các ngân hàng giúp tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), qua đó hạ chi phí huy động vốn, cải thiện biên lãi ròng (NIM).

Trong khi đó, các chuyên gia từ Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của 27 ngân hàng niêm yết trong quý II/2022 tuy giảm 9% so với quý trước nhưng lại có khả năng tăng tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Yuanta ước tính thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng quý 2/2022 sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp trong quý vừa qua do hầu hết các ngân hàng đều đã cạn hạn mức tín dụng và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới "room".

Thêm vào đó, thu nhập phí quý II/2022 ước tính tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, doanh thu bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) có thể thấp do hoạt động cho vay kém sôi động. Ngoài ra, chi phí hoạt động ước tăng khoảng 15%.

* Giữ nhịp tăng trưởng

Trong bối cảnh cạn room tín dụng, liệu các ngân hàng có tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm là đang là điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nhận định từ Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới room tín dụng nửa cuối năm. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Tăng trưởng tín dụng cả năm theo kỳ vọng của SSI sẽ đạt mức 15-16%.

Cũng liên quan đến nới room, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) dự báo các ngân hàng sẽ được cấp thêm room tín dụng ngay đầu quý III/2022. Tuy nhiên, dự báo của Yuanta lại cho rằng việc cấp room của Ngân hàng Nhà nước có thể rời đến tháng 8 mới được thực hiện thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng, để tiếp tục theo dõi lạm phát.

Tuy vậy, VCBS dự báo các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)...

Ngược lại, các ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải.

Về lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm, SSI cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận nửa cuối năm 2021 tương đối thấp.

SSI dự báo tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có thể chịu áp lực so với nửa đầu năm 2022. Khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được ban hành, áp lực tăng lãi suất huy động cũng sẽ tăng lên trong khi tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn được hạ xuống 34% kể từ ngày 1/10/2022. Do đó, các ngân hàng sẽ phải tăng nguồn vốn huy động dài hạn của mình, khiến chi phí vốn bình quân cao hơn.

Dù vậy theo phân tích của SSI, thu nhập lãi thuần sẽ vẫn có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và là động lực chính giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm.

Đồng quan điểm, VCBS cho biết NIM của ngân hàng đã đạt đỉnh năm 2021 và đang có biểu hiện giảm do lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, một số nhóm ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức NIM cao, bao gồm nhóm ngân hàng thương mại có tập khách hàng cá nhân tăng nhanh tiếp tục nâng cao tỷ lệ CASA và cải thiện được chi phí vốn.

Ngoài ra, VCBS còn dự báo thu nhập ngoài lãi gia tăng tỷ trọng chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng với đóng góp chủ yếu từ thu nhập dịch vụ cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực...

Từ đó, dự báo tích cực của VCBS vẫn sẽ được duy trì đối với lợi nhuận trước thuế của toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023; đặc biệt sẽ phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong năm 2023.

Bản thân các ngân hàng đều kỳ vọng tín dụng và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt trong khi mặt bằng lãi suất chỉ tăng nhẹ. Theo Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), 54,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh quý III tiếp tục "tăng nhẹ" so với quý II/2022, 38,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng "không đổi" và chỉ có 6,5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.

Tính chung cả năm, có đến 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021, trong khi 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục