Bão thuế: Đòn bẩy thương mại hay mồi lửa xung đột?
Thuế quan, vốn được kỳ vọng là đòn bẩy để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và tái cân bằng thương mại, lại đang bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn. Liệu chính sách này có thực sự mang lại lợi ích cho nước Mỹ, hay chỉ đơn thuần là một biện pháp bảo hộ gây tổn hại đến chuỗi cung ứng toàn cầu và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương? Các quốc gia trên thế giới, từ các cường quốc kinh tế đến các nước đang phát triển, đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn: Nhượng bộ, đáp trả, đàm phán hay tìm kiếm những con đường mới để duy trì tăng trưởng và ổn định.
Trong trường hợp Mỹ áp thuế cao, hàng hóa xuất khẩu của EU có thể trở nên đắt đỏ hơn, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của EU giảm sút. Ngoài ra, các nguy cơ gián đoạn nguồn cung có thể làm tăng chi phí sản xuất đối với nhiều ngành công nghiệp tại châu Âu. Việc áp thuế bổ sung đối với ô tô sẽ ảnh hưởng đến tài chính của các nhà sản xuất ô tô châu Âu vào thời điểm “lục địa già” đang phải vật lộn để giảm chi phí cao tại thị trường nội địa và cạnh tranh với Trung Quốc. Theo dữ liệu thương mại chính thức của Mỹ, năm 2024, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã xuất khẩu khoảng 800.000 xe sang Mỹ, gấp khoảng bốn lần số lượng ô tô Mỹ xuất khẩu sang châu Âu.
Một số kịch bản đáng chú ý là việc các nước ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc và Mexico tìm cách chuyển hướng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu để tránh thuế quan của Mỹ có thể tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp EU, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp thuế “có đi có lại”, một động thái đáng chú ý là việc Mỹ yêu cầu Mexico áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 20/2 đã đánh thuế chống bán phá giá 38% lên thép tấm của Trung Quốc, để bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước, vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thép giá rẻ tràn ngập thị trường. Khởi động cỗ máy bảo hộ bằng ngòi nổ thuế quan Với những bước đi đầu tiên trong chính sách thương mại, ông Trump đã đặt nền tảng cho việc áp các mức thuế quan đơn phương của Mỹ, đồng thời một lần nữa làm suy yếu các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Giờ đây, thuế quan có thể được sử dụng như một đòn bẩy đàm phán cũng như một nguồn doanh thu. Trọng tâm của các chính sách này có lẽ là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Đối với các đồng minh thân cận, các đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ EU đã khơi lại những căng thẳng “âm ỉ” từ nhiệm kỳ trước và đẩy mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương này đứng trước nhiều thử thách. Giới phân tích cho rằng Mỹ đã khởi động cỗ máy bảo hộ bằng chính ngòi nổ thuế quan. Trước khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng ông đặt lòng tin vào thuế quan và tin chắc rằng biện pháp này "sẽ không gây thiệt hại cho người dân Mỹ". Tiếp sau đó, ông đã công bố kế hoạch thành lập Cơ quan Thuế vụ nước ngoài (ERS), theo đó trong tương lai, các nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ phải trả thuế hải quan trực tiếp cho ERS. Điều này cho thấy một lần nữa ông sẽ sử dụng luật pháp Mỹ để đơn phương áp đặt thuế quan.Thuế nhập khẩu bổ sung nói trên đánh vào hàng nhập khẩu và những người tiêu dùng; các ngành sử dụng hàng nhập khẩu và nhà xuất khẩu của Mỹ sẽ phải gánh chi phí trực tiếp. Nếu thuế quan nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm thay thế trong nước bằng cách tăng giá hàng nhập khẩu, khi đó chiến lược càng nhiều cơ hội thành công. Mỹ có nền kinh tế lớn, vì vậy nếu đẩy giá nhập khẩu lên cao, khi đó hàng nhập khẩu sẽ được thay thế bằng hàng sản xuất trong nước, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước.
Đòn bẩy gây áp lực Theo Quỹ Khoa học và Chính trị Đức (SWP), công cụ chính sách đối ngoại ưa thích của Tổng thống Trump là thuế quan. Đối với ông, thương mại toàn cầu mở là một "cái gai trong mắt" và thuế quan không chỉ là công cụ bảo hộ thương mại, mà còn là "vũ khí" để gây áp lực lên các đối tác, buộc họ phải nhượng bộ theo ý Mỹ. Mỹ sẽ gây sức ép lên Trung Quốc và các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhằm tái cân bằng các mối quan hệ thương mại, đồng thời gây sức ép để đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, trong đó có hiệp định thương mại quan trọng với Mỹ là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Do phụ thuộc kinh tế rất lớn vào Mỹ, cả hai nước láng giềng này có thể sẽ đồng ý lên lịch sớm cho các cuộc đàm phán về một USMCA mới. Thông qua USMCA, ông Trump có thể thúc đẩy kế hoạch đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi các nước láng giềng của Mỹ. Những năm gần đây, để tránh bị Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển địa điểm sản xuất sang Mexico, để từ đó cung cấp hàng hóa cho thị trường Mỹ. Mỹ cũng đang đẩy mạnh các biện pháp đơn phương và song phương. Với các cơ chế đa phương, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy WTO cải tổ theo hướng có lợi hơn cho Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc sử dụng thuế quan như một công cụ thương lượng có thể phát huy tác dụng trong trò chơi chỉ diễn ra một lần, nếu các đối tác thương mại có khả năng điều chỉnh chính sách và những thay đổi chính sách đạt được kết quả mong muốn. Chiều hướng các quốc gia "tách" khỏi thị trường Mỹ Một số chuyên gia cho rằng các biện pháp mang tính bảo hộ và phi toàn cầu hóa của Tổng thống Trump có thể giúp nước Mỹ xác định lại các mối quan hệ thương mại toàn cầu có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý chính sách thuế quan toàn diện có thể phá vỡ chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí thương mại, suy yếu dòng chảy thương mại thế giới và quản trị toàn cầu. Đặc biệt, vai trò của các tổ chức quốc tế như WTO cũng bị suy giảm theo.Ông Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định rằng chiến thuật của ông Trump có thể "bóp nghẹt” chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời thôi thúc các quốc gia phải tìm cách tách khỏi thị trường Mỹ, nếu mức độ rủi ro ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, theo chuyên gia Christine McDaniel thuộc trung tâm Mercatus, thuế quan đơn phương sẽ làm đảo lộn thương mại toàn cầu và làm thay đổi suy nghĩ về vai trò của WTO cũng như các quy tắc thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại. Ngày càng nhiều quốc gia đang thiết lập các quan hệ kinh tế riêng mà không có sự tham gia của Mỹ. Nếu Mỹ dựng hàng rào thương mại cao hơn, thì các nước khác lại đang "hạ thấp" rào cản thương mại. Thương mại toàn cầu đang được tái cấu trúc. Trong hơn hai tháng trở lại đây, EU đã ký kết ba thỏa thuận thương mại mới. Sau 25 năm đàm phán, EU đã đạt được một thỏa thuận quan trọng với bốn quốc gia Nam Mỹ vào tháng 12/2024 để tạo ra một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới, kết nối các thị trường với 850 triệu người. EU cũng đã ký thỏa thuận với Thụy Sỹ, đồng thời nối lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Malaysia sau 13 năm gián đoạn. Đồng thời, theo chuyên gia Jacob F. Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Brussels, xu hướng gia tăng số lượng các khối thương mại như giữa EU và các quốc gia Nam Mỹ cũng sẽ giúp các nước tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Những thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực thương mại xuất hiện tại châu Á. HSBC Global Research cho hay gần 60% thương mại của khu vực này diễn ra trong nội bộ châu Á. Một nửa trong số các hành lang thương mại phát triển nhanh nhất thế giới diễn ra tại khu vực này.Tổng thống Trump nổi tiếng là một người luôn nói những gì ông nghĩ và làm những gì ông nói. Các căng thẳng thương mại nảy sinh từ các tuyên bố thuế quan từ đầu tháng Hai tới nay của ông Trump và sau đó là các động thái trả đũa của các đối tác thương mại đã tạo ra một khởi đầu xáo động đáng chú ý trong những tháng đầu ông nhậm chức. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ các nước khác đều cố gắng tìm hiểu chính xác nước Mỹ muốn gì cũng như chuẩn bị cho những động thái tiếp theo.
Tin liên quan
-
Tài chính
Mỹ có kế hoạch tăng mức thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc lên 20%
07:30' - 01/03/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 20% vào tuần tới.
-
Kinh tế Thế giới
Pháp: EU sẽ "đáp trả tương xứng" nếu Mỹ áp thuế 25%
12:36' - 28/02/2025
Liên minh châu Âu (EU) sẽ "làm điều tương tự" nếu Mỹ thực hiện mức thuế 25% mà Tổng thống Donald Trump đã công bố.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc phản đối Mỹ tiếp tục đánh thuế bổ sung
12:03' - 28/02/2025
Ngày 27/2, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã bày tỏ quan ngại của Bắc Kinh về chính sách thuế quan của Washington.
-
Kinh tế Thế giới
Dự báo kinh tế thế giới: Căng thẳng thuế quan “phủ bóng” toàn cầu
15:18' - 27/02/2025
Các quyết định từ chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, căng thẳng thương mại leo thang và các số liệu kinh tế quan trọng đã tạo nên một bức tranh đầy biến động
-
Kinh tế Thế giới
EU tuyên bố đáp trả nếu Mỹ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của khối
14:27' - 27/02/2025
Ngày 26/2, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ phản ứng "ngay lập tức và kiên quyết" đối với các rào cản thương mại mà họ cho là phi lý, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại tự do và công bằng.
-
Kinh tế Thế giới
Câu chuyện thuế quan của Mỹ gây hoang mang
12:36' - 27/02/2025
Trong cuộc họp nội các đầu tiên của mình vào ngày 26/2, khi được hỏi về thời điểm bắt đầu áp dụng thuế quan đối với Canada và Mexico, ông Trump trả lời rằng đó sẽ là ngày 2/4.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 5% bất chấp dự báo của IMF
22:24' - 24/04/2025
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati tự tin rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng tới 5% trong năm 2025.
-
Kinh tế Thế giới
Fed: Bất ổn chính sách tạo đang đè nặng lên kinh tế Mỹ
15:25' - 24/04/2025
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 23/4 cảnh báo chính sách thương mại thiếu nhất quán của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tạo áp lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Trump: Tăng thuế sẽ khiến nhiều người giàu rời khỏi Mỹ
10:45' - 24/04/2025
Theo ông Trump, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, việc tăng thuế suất sẽ gây ra sự gián đoạn lớn và khiến những triệu phú rời khỏi Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh năm 2025
08:36' - 24/04/2025
Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sẽ lần lượt đạt mức tăng trưởng 2,1% và 2,4% trong năm 2025 và 2026.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ tìm kiếm "thỏa thuận công bằng" về thương mại với Trung Quốc
08:35' - 24/04/2025
Ngày 23/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cao triển vọng về một "thỏa thuận công bằng" về thương mại với Trung Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Canada đối mặt nguy cơ suy thoái nếu xảy ra cuộc chiến thương mại
20:49' - 23/04/2025
Ngân hàng trung ương Canada (BOC) cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng nếu nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu do tác động từ các mức thuế quan của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Ngành ô tô Mỹ lo ngại tác động tiêu cực của thuế quan
20:31' - 23/04/2025
Liên minh các hiệp hội ngành ô tô Mỹ vừa kiến nghị Tổng thống Donald Trump không áp thuế 25% với linh kiện ô tô nhập khẩu, và cảnh báo động thái này sẽ làm giảm doanh số bán xe và đẩy giá xe tăng.
-
Kinh tế Thế giới
Thời hàng giá rẻ tại Mỹ dần lùi xa
19:35' - 23/04/2025
Cuộc chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đang tác động trực tiếp tới tủ đồ người dân Mỹ, trong đó mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nhất lại là sản phẩm đời sống thiết yếu.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc nêu điều kiện đàm phán thương mại với Mỹ
18:23' - 23/04/2025
Ngày 23/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) khẳng định nước này có lập trường rất rõ ràng về cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng.