Bảo vệ đê điều gặp khó từ nạn khai thác cát sỏi trái phép

13:45' - 03/09/2015
BNEWS Dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu không thể lường hết được hậu quả khi xảy ra sự cố đối với hệ thống đê, nếu buông lỏng quản lý thì hậu quả khi xảy ra sẽ khôn lường.

Nhu cầu vật liệu xây dựng, nhất là cát sỏi ngày càng lớn khiến nhiều nơi cung không đủ cầu nên tình trạng khai thác cát lậu trong hành lang bảo vệ đê điều vẫn diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp làm ảnh hưởng đến an toàn chống lũ của đê. Để ngăn chặn tình trạng trên, tránh vi phạm hành lang đê điều chỉ riêng lực lượng bảo vệ đê điều khó có thể làm được và cần có sự vào cuộc của lực lượng liên ngành.

Tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có 2 con sông lớn chảy qua là sông Phó Đáy và sông Hồng với tổng chiều dài 44 km đê. Với vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thời gian qua, nhu cầu khai thác tài nguyên ngày một gia tăng.

Các hoạt động phát triển kinh tế gắn liền với hệ thống đê điều diễn ra ngày càng phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau như xây dựng bến bãi, tập kết cát sỏi; xây nhà sản xuất gạch trong phạm vi bảo vệ đê, xe quá trọng tải đi lại trên đê.

Đội Cảnh sát về Môi trường Công an huyện Phúc Thọ bắt tàu VP-13 đang chuyển cát khai thác trái phép sang tàu chở hàng số hiệu VP-0151. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại diện UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nơi có tuyến đê La Giang cho biết, hoạt động khai thác cát trái phép thường xuyên diễn ra vào đêm khuya, ở những nơi xa khu vực dân cư, vùng giáp ranh các xã, các huyện và có đối tượng cảnh giới. Khi bị phát hiện, các đối tượng có thể chạy sang địa bàn huyện khác.

Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông ảnh hưởng đến an toàn đê, kè của huyện cơ bản được kiểm soát. Mặc dù đã ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả nhưng chưa triệt để và duy trì bền vững.

Sự phát triển của kinh tế-xã hội và dân số đã làm gia tăng nhiều hơn các hoạt động liên quan đến hệ thống đê, làm gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng của vi phạm ảnh hưởng đến an toàn chống lũ của đê. Trong khi đó, công tác đầu tư, xây dựng và tu bổ, nâng cấp đê điều ở nhiều địa phương lại gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, công tác bảo vệ hành lang đê điều càng trở nên quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Bột, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết, đối với cấp huyện khó khăn nhất là lực lượng mỏng và không có lực lượng chuyên trách. Huyện đã chỉ đạo các xã ven đê tổ chức theo dõi phát hiện các tàu khai thác cát trái phép nhưng do không có đủ điều kiện nên việc giữ hiện trường đối với phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn. Khi lực lượng của huyện xuống xử phạt, phương tiện đã di chuyển sang địa bàn của tỉnh khác.

Theo ông Hồ Quốc Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình hình vi phạm đê điều đã gây bức xúc cho nhân dân. Thành phố đã có 211 bãi tập kết vật liệu; trong đó chỉ có 17 bãi có phép. Khai thác cát sỏi chủ yếu vẫn là khai thác trộm. Lực lượng bảo vệ đê điều thành phố liên tục phối hợp với các đơn vị chuyên ngành đi tuần nhưng việc bắt rồi phạt cũng không xuể. Việc ngăn chặn xe quá tải hoạt động trên các tuyến đê bằng các kiểm tra rồi phạt, ngăn chặn hút cát lậu bằng cách đi tuần rồi bắt vài tàu vẫn chỉ là phần ngọn.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, số lượng các vụ vi phạm gửi đến các cấp chính quyền cơ sở hiện phần lớn vẫn không được xử lý kịp thời. Dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu không thể lường hết được hậu quả khi xảy ra sự cố đối với hệ thống đê, nếu buông lỏng thì hậu quả khi xảy ra sẽ khôn lường.

Đơn vị cấp phép khai thác cát cần quản lý chặt việc cấp phép và đã đến lúc cả xã hội cần phải lên án những hành vi vi phạm này. Vấn đề nghiệm trọng khi khai thác cát trái phép là làm cho lưu lượng chuyển lưu từ sông Hồng sang sông Thái Bình tăng lên từ 20-25%, hiện đã tăng xấp xỉ 40%. Như vậy, sẽ uy hiếp, mất an toàn cho sông Thái Bình bởi sông Thái Bình không được thiết kế với lưu lượng 40% của hệ thống sông Hồng chuyển sang.

Việc khai thác cát quá mức cũng dẫn tới việc hạ thấp lòng dẫn sông Hồng, bình quân từ 1,5 đến 2 m có chỗ 3 đến 4 m. Như vậy mực nước sông Hồng cũng bị hạ thấp, tất cả các trạm bơm, các cống lấy nước ở dọc sông Hồng và sông Thái Bình hiện đang bị “trơ giỏ”, và hàng năm cũng phải xả một lượng nước rất lớn, gây tổn thất về tài chính quốc dân.

Công an Đường thủy Bắc Ninh kiểm tra một tàu hút cát. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Ông Hồ Quốc Thịnh cho rằng, cần cả hệ thống chính trị từ trên xuống dưới vào cuộc, chứ không chỉ là mỗi đơn vị đơn thuần. Chỉ riêng Chi cục không thể ngăn chặn được nạn hút cát vì không thuộc thẩm quyền của Chi cục và phải đi đúng bản chất sự việc.

Chẳng hạn như xe quá tải phải quản lý ngay từ bến bãi, đ ồng thời, cần có quan niệm là “ngăn nhưng không cấm”, ngăn quá tải chứ không ngăn vận tải. Xe phải chở đúng trọng tải, không được cơi nới, nâng cấp thùng. Xe từ bãi đi ra nên bãi phải cam kết không cho xe chở quá tải. Nếu xe vi phạm sẽ phạt chủ bãi, các bãi cũng được hút cát phải công khai. Cuộc chiến ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép là cuộc chiến trường kỳ, không thể làm theo chiến dịch.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, phải có lực lượng liên ngành đủ mạnh; trong đó lực lượng công an, cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý tổng hợp các vi phạm thì mới chấn chỉnh được tình trạng khai thác cát trái phép.

Tổng cục Thủy lợi đang xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Công an để triển khai công việc này. Hàng tháng Vụ Quản lý đê điều thống kê các vụ vi phạm ở 19 tỉnh, thành phố có đê gửi về địa phương để đôn đốc xử lý. Các địa phương xây dựng Quy chế trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp chính quyền, nhưng thực sự vẫn còn không ít địa phương buông lỏng vấn đề này.

Tổng chiều dài đê điều của cả nước hiện có hơn 13.000 km đê; trong đó có 10.600 km đê sông, gần 3.000 km đê biển và 2.000 km đê đặc biệt./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục