Barbie đóng góp 1,09 tỷ USD vào tổng doanh thu mỗi năm của Mattel

15:16' - 18/03/2019
BNEWS Barbie là một câu chuyện dài, từng gây tranh cãi, xong được xem như biểu tượng sáng giá trong làng đồ chơi thế giới của Mattel và sức sáng tạo vượt thời gian trong chặng đường 60 năm.
 Búp bê Barbie được bày bán tại cửa hàng ở San Rafael, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Không gì đáng tự hào hơn việc gây dựng được nhân vật truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Ruth Handler, người Mỹ là một người như thế, với tạo hình búp bê Barbie – nhân vật trẻ mãi lấy lòng các bé gái mọi thời đại.

Barbie là một câu chuyện dài, từng gây tranh cãi, song được xem như biểu tượng sáng giá trong làng đồ chơi thế giới của Mattel và sức sáng tạo vượt thời gian trong chặng đường 60 năm.
Ngược trở lại những năm 1950, Ruth Handler (1916-2002) để ý thấy cô con gái Barbara có ít lựa chọn về đồ chơi, cô bé chỉ có thể sắm vai người mẹ hoặc người chăm sóc sức khỏe, trong khi con trai bà sở hữu những món đồ cho phép cậu bé nhập đủ mọi vai, từ lính cứu hỏa, nhà du hành vũ trụ, đến bác sỹ và nhiều hơn thế.

Chính việc này đã truyền cảm hứng cho Ruth tạo ra một nhân vật búp bê để các bé gái thấy chúng có những lựa chọn, các bé có thể sắm bất kỳ vai nào.
Mattel – công ty Ruth đồng sáng lập – ngày 9/3/1959 lần đầu tiên trình làng búp bê Barbie tại Hội chợ Đồ chơi New York. Khoác trên mình bộ đồ bơi sọc đen trắng với kiểu tóc đuôi ngựa, Barbie đã phá tan những hoài nghi về sự thành công của mình và tạo một "cơn sốt".

Hơn bao giờ hết, Barbie cho phép các bé gái hình dung rõ nét về diện mạo, tương lai của mình. Năm này cũng đánh dấu lần đầu tiên Barbie “lên sóng” qua một đoạn quảng cáo được phát trực tiếp đến trẻ em, trong đó Barbie được tạo hình như một con người bằng xương bằng thịt. Sự kiện này đã tạo nên một cơn lốc săn lùng Barbie, giúp doanh số bán hàng tăng lên 350.000 búp bê trong năm đầu tiên ra mắt.
Những năm đầu của thập niên 1960, để truyền cảm hứng cho các bé gái và hỗ trợ nhiều hơn nữ giới tham gia lực lượng lao động, Mattel tung ra “bộ tứ” Barbie gồm Biên tập viên thời trang (1960), Y tá (1961), Tiếp viên hàng không (1961) và Nữ doanh nhân (1963). Năm 1961, Câu lạc bộ những người hâm mộ búp bê Barbie ra đời.

Búp bê Barbie được trưng bày tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 11/3/1961, Mattel ra mắt Ken, đáp ứng yêu cầu của hàng trăm người hâm mộ nhí muốn có một người bạn trai cho Barbie. Năm 1962, Barbie có chiếc ô tô đầu tiên của mình – chiếc Austin – Healey 3000 MKII BN7. Trong khi phụ nữ Mỹ thậm chí chưa được phép mở tài khoản ngân hàng của riêng mình, Barbie năm này đã “tự mua” cho mình Ngôi nhà trong mơ đầu tiên, trở thành một biểu tượng của sự độc lập, quyền lực.

Những năm sau đó, Mattel liên tục cho ra mắt nhân vật mới, điển hình là Barbie phi hành gia (1965), Barbie người nổi tiếng (1967), búp bê da màu Christie (1968), Malibu Barbie (1971), Barbie bác sỹ phẫu thuật (1973), Barbie Huy chương vàng (1975), Barbie huấn luyện viên Aerobics (1984), Barbie CEO (1985), Barbie và những tay chơi nhạc rock (1986), Barbie sỹ quan quân đội, Barbie phi công (1989), Barbie Tổng thống (1992),…
Sự nổi tiếng của Barbie còn được khuếch trương thông qua Hội nghị Những người sưu tầm Barbie – sự kiện mỗi năm quy tụ hàng nghìn người hâm mộ Barbie, được tổ chức lần đầu vào tháng 10/1980 tại Thành phố New York. Năm 1981, Barbie trình làng Tuyển tập Búp bê Thế giới, với mỗi nhân vật được khoác trên mình bộ cánh lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của mỗi quốc gia…

Barbie kết hợp với nhiều nhà thiết kế thời trang hơn bất cứ nhãn hiệu nào trên thế giới, với quan hệ đối tác thời trang lần đầu được thiết lập vào năm 1985 với Oscar de la Renta. Nói đến Barbie, người hâm mộ không thể bỏ qua chiến dịch quảng cáo đình đám “We Girls Can Do Anything” (Chúng ta những cô gái có thể làm mọi thứ) nhằm khuyến khích các bé gái đặt niềm tin vào bản thân và ước mơ của mình.

Búp bê Barbie được bày bán tại cửa hàng ở Berlin, Đức . Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2010, Barbie tung ra ứng dụng “Barbie Fashionistas Swappin’ Styles” cho phép người dung tạo kiểu cho Barbie cũng như tạo diện mạo thời trang của riêng họ. Những năm sau này, Barbie được biết đến với Barbie kiến trúc sư (2011), Barbie thám tử (2014), Barbie đạo diễn phim, Barbie Vlogger, Barbie người hùng (2015), Barbie bếp trưởng (2016), Barbie nuôi ong (2018)…

Năm 2018, Barbie triển khai Dự án Dream Gap – một sáng kiến quy mô toàn cầu trao cho các bé gái nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để duy trì niềm tin “có thể là bất cứ điều gì mình muốn”. Ghi nhận mới nhất cho thấy mỗi năm có 58 triệu búp bê Barbie được bán tại hơn 150 quốc gia. Mỗi năm, Barbie đóng góp 1,09 tỷ USD vào tổng doanh thu của Mattel.

>>> Nhiều hãng đồ chơi Mỹ tính chuyển hoạt động sang Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục