Bất chấp nguồn thu khó khăn, ngành tài chính vẫn đảm bảo mục tiêu 2020

08:16' - 26/12/2020
BNEWS Năm 2020, ngành tài chính đã thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn khi vừa phải giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp vừa phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, an sinh xã hội.

Năm 2020 đại dịch COVID-19, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn... xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước.

Chưa bao giờ việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách lại khó khăn đến thế khi vừa phải có biện pháp miễn, giảm, giãn thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa phải tăng chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, an sinh xã hội.

* Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách

Theo kế hoạch dự kiến năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước là 1.512.300 tỷ đồng nhưng Bộ Tài chính cho biết ước thu cả năm 2020 đạt 1.439.100 tỷ đồng, bằng 95,2% dự toán; hụt khoảng 81.100 tỷ đồng so với dự toán.

Trong số đó, thu nội địa ước đạt 1.217.700 tỷ đồng, giảm 3,7% so với dự toán, thu từ dầu  thô đạt 34.400 tỷ đồng, giảm 2,3%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 7,7%.

Bộ Tài chính cho biết, đã có 23/63 địa phương hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; 31/63 địa phương đã hoàn thành dự toán thu cân đối được Thủ tướng Chính phủ giao; 33/63 địa phương có tăng trưởng thu so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2020 được triển khai trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế và các khoản thu ngân sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nên thu nội địa giảm.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... cũng đều không đạt như dự toán do tác động tiêu cực của dịch bệnh

Trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn tăng chi cho phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, trình Quốc hội nguyên tắc điều hành đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước năm 2020.

Đó là rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Đồng thời, đề nghị chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người lao động...

Do đó, ước thực hiện chi ngân sách nhà nước cả năm đạt 1.729.300 tỷ đồng, bằng 99% so dự toán. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định, chi ngân sách nhà nước đã được điều hành chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm, đảm bảo các nhiệm vụ cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ chi cần thiết.

Theo các chuyên gia, năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các phương án điều hành thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước phù hợp với các kịch bản tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh, củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giữ vững cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp ở địa phương.

Để có thể làm được điều này, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm các chi phí chưa cần thiết, cấp bách. Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ của ngân sách cấp mình và các nguồn lực tại chỗ để xử lý các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhìn nhận, thu ngân sách đạt thấp, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp so yêu cầu. Việc triển khai một số chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 còn chậm. Việc chấp hành kỷ luật tài chính ngân sách có nơi, có lúc còn chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra vi phạm chế độ, chính sách về quản lý thu, chi ngân sách, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Dự kiến năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn rất khó dự đoán, khó khăn kinh tế dự kiến còn kéo dài vài năm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trong "vài năm tới còn phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng để tập trung cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển, giữ ổn định vĩ mô".

Do đó, trong năm 2021, Bộ Tài chính xác định mục tiêu ngân sách nhà nước là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập. Bộ cũng tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi.

Bộ Tài chính dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020.

Theo lãnh đạo ngành tài chính, để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nền kinh tế số. Ngành tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa từ khâu hoạch định chính sách đến điều hành nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Đồng thời, ngành tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, cạnh tranh bình đẳng. Việc đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được ngành tài chính tập trung thực hiện.

* Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp

Trong năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình Chính phủ nhiều cơ chế chính sách như: Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, một loạt các loại phí, lệ phí đã được Bộ Tài chính trình cắt giảm nhằm giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán... tại 21 thông tư đã được ban hành trong năm 2020.

Bộ Tài chính khẳng định, các chính sách thời gian qua đã ban hành đầy đủ nhằm chia sẻ khó khăn với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, bao gồm toàn bộ các đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh (phải nộp thuế, hoặc không phải nộp thuế), góp phần ổn định xã hội.

Ông Lê Minh Khiêm, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện cả năm đạt 110.000 tỷ đồng; trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80.000 tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính không ngừng hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, các giải pháp tài khóa, thuế, phí được tích cực nghiên cứu, rà soát để trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí, vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), ngành hải quan đã chủ động rà soát, xây dựng và tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngành cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải.

Bộ Tài chính cũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện.

Đó là tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; rà soát cắt giảm phí, lệ phí nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng đang  tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành để đề xuất các giải pháp phù hợp với diễn biến thực tế.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực của ngành, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hoá quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục