Bắt đầu giải quyết vụ công nhân một doanh nghiệp ở Lâm Đồng nghỉ việc tập thể

20:38' - 14/03/2018
BNEWS Ngày 13/3, chính quyền và các bên liên quan đã làm việc về vụ hàng chục công nhân của một phân xưởng quan trọng nhất trong doanh nghiệp Đại Bình đã đồng loạt nghỉ việc tập thể từ ngày 22/2/2018.

Ngày 13/3, chính quyền và các bên có liên quan của thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã có buổi làm việc liên quan về vụ việc: Hàng chục công nhân của một phân xưởng quan trọng nhất trong doanh nghiệp Đại Bình đã đồng loạt nghỉ việc tập thể từ ngày 22/2/2018, gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp.

Cho đến ngày 14/3, có 20 trong số 57 công nhân nghỉ việc làm đơn xin quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, do tiến độ hợp đồng thúc ép, doanh nghiệp này đã phải chuyển 2/3 số máy móc thiết bị tới các doanh nghiệp bạn ở một số tỉnh, thành khác nên không thể bố trí cho các công nhân quay trở lại làm việc.

Qua phân tích sự việc, theo chủ doanh nghiệp: Nguyên nhân của sự việc này khởi nguồn từ một người trong Ban Giám đốc được giao điều hành doanh nghiệp khi Giám đốc đi vắng. Người này đã chỉ đạo sản xuất sai bản vẽ thiết kế, khiến sản phẩm bị đối tác trả lại. Khi bị xử lý, người này đã lôi kéo công nhân nghỉ việc với lý do bị phạt tiền thưởng để phản ứng doanh nghiệp.

Sự việc này xảy ra tại doanh nghiệp tư nhân Đại Bình có địa chỉ ở số 158, đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc do bà Nguyễn Ngọc Hoàn làm Giám đốc. Đây là doanh nghiệp chế tạo cơ khí, sản xuất các thiết bị van dầu khí, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1998 đến nay, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sử dụng gần 200 lao động chủ yếu là người địa phương, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước. Lương của thợ mới được tuyển dụng vào công ty, vừa học vừa làm đạt khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng. Lương của mỗi thợ có thâm niên cao đạt từ 10-12 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca có thể lên tới 17- 18 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2018, do yêu cầu từ đơn hàng của đối tác, doanh nghiệp tư nhân Đại Bình đã tăng thời gian làm việc từ 8 giờ lên 11,5 giờ mỗi ngày. Trưa 22/2, đại diện doanh nghiệp thông báo bắt đầu tăng ca lên 11,5 giờ/ngày trong thời gian tới. Đến sáng 23/2, đã có 17 công nhân Phân xưởng CNC (phân xưởng hoàn thiện sản phẩm, sử dụng máy hiện đại tự động kỹ thuật số100%) phản đối việc tăng ca, bỏ về sau khi hoàn thành thời gian làm việc hành chính.

Vào sáng 24/2, toàn bộ 46 công nhân Phân xưởng CNC và 13 công nhân tại các phân xưởng khác ngưng việc tập thể, tập trung trước cổng doanh nghiệp đòi gặp giám đốc để đàm phán. Do Giám đốc đang đi ký hợp đồng ở nước ngoài, đại diện Ban Giám đốc thuyết phục công nhân vào làm việc. Tuy nhiên, chỉ có hai công nhân quay trở lại làm việc.

Tại buổi làm việc giữa chính quyền thành phố Bảo Lộc và các bên liên quan, sau khi nghe các bên trình bày quan điểm của mình, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc đã chỉ đạo, sắp tới sẽ tổ chức đối thoại với công nhân.

Các cơ quan quản lý lao động, đại diện cho người lao động cần phân tích cho công nhân hiểu rõ các quy định của pháp luật hiện hành; động viên công nhân chấp hành đúng kỷ luật lao động; không có các hành vi nhắn tin, đe dọa những người muốn quay trở lại làm việc. Lãnh đạo chính quyền địa phương động viên doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn để hoạt động bình thường trở lại, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục