Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước tại Navibank

15:34' - 13/08/2018
BNEWS Ngày 13/8, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) và 9 đồng phạm.
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm hồi giữa tháng 3/2018. Ảnh: Thành Chung - TTXVN 

Ngày 13/8, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) và 9 đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng Phòng Pháp chế Navibank) có đơn xin vắng mặt vì đang điều trị tại bệnh viện. Xét thấy bị cáo Hiền có lời khai đầy đủ tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm nên sự vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến việc xét xử, Hội đồng xét xử đã cho phiên tòa tiếp tục.

Ngoài ra, hai bị án là Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Trưởng Phòng Quản lý rủi ro Vietinbank - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) cũng được trích xuất tới phiên tòa.

Theo bản án sơ thẩm tuyên ngày 19/3, từ đầu năm 2010 đến cuối 2011, do làm ăn thua lỗ và cần tiền trả nợ, Huỳnh Thị Huyền Như đã lấy danh nghĩa Vietinbank gặp gỡ, móc nối với các đối tượng môi giới để huy động tiền gửi vào Vietinbank.

Huyền Như nhận tiền gửi của các đơn vị với lãi suất cao, hứa hẹn mức lãi suất theo quy định do Vietinbank trả còn tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng sẽ do Huyền Như trả.

Xuất phát từ chủ trương đem tiền đi gửi ở ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao trả ngoài hợp đồng, từ ngày 19/11/2010 đến ngày 27/5/2011, các bị cáo là thành viên Hội đồng tín dụng của Navibank gồm: nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí; các nguyên Phó Tổng Giám đốc: Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn; Trần Thanh Bình (nguyên Trưởng Phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Đinh Thị Đoan Trang (nguyên Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng Phòng Pháp chế), Nguyễn Ngọc Oanh (nguyên Trưởng Phòng Quản lý rủi ro) đã họp và thống nhất, ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho 14 nhân viên số tiền 1.543 tỷ đồng, để các nhân viên gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè lấy lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.

Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75,7 tỷ đồng; trong đó lãi trong hợp đồng là 51,3 tỷ đồng, lãi chênh lệch là 24,3 tỷ đồng. Số tiền lãi ngoài hợp đồng Navibank đã chuyển cho 47 lượt cá nhân. Trong vụ án này, Huyền Như đã chuyển trả cho Navibank 1.343 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Navibank (nay là Ngân hàng Quốc Dân).

Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên phạt 10 bị cáo mức án từ 7 đến 13 năm tù cùng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền lãi chênh lệch là 24,3 tỷ đồng.

Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong hai ngày./.

>>> Xét xử vụ án cố ý làm trái quy định tại Navibank: Đề nghị thu hồi hơn 24 tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục