"Bật mí" thành công của Crown Digital

09:15' - 05/01/2022
BNEWS Crown Digital đặt mục tiêu đưa Ella đến ít nhất 600 địa điểm trên khắp Nhật Bản trong ba năm tới.

Với niềm đam mê dành cho những ly cà phê chất lượng, Keith Tan, 41 tuổi, đã quyết định bỏ công việc quản lý tài chính lâu năm trước khi chuyển sang kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê phục vụ bằng người máy (robot). 

Keith Tan đã mở Crown Coffee vào năm 2015. Đến năm 2016, công ty có bốn cửa hàng tại Singapore, phục vụ các loại cà phê từ Italy như mọi cửa hàng giải khát truyền thống khác. Nhưng từ đó, ông cũng bắt đầu phải đối mặt với bài toán mà ông cho là "khó khăn nhất", đó là thiếu nhân viên.

Vốn có chút hứng thú với công nghệ và lợi thế thường xuyên tiếp xúc với các khách hàng là những người làm việc trong ngành công nghệ, ông Tan đã mở thêm Crown Digital, một công ty khởi nghiệp dựa vào Internet vạn vật (IoT), với mục tiêu giải quyết những khó khăn trong ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B), đồng thời biến những cửa hàng cà phê thông thường của mình thành một "trung tâm" công nghệ". Người máy Ella chính là sản phẩm đầu tay của Crown Digital và cũng là đứa con tinh thần trị giá hàng triệu USD của ông.

Người máy pha chế này có cái tên "rất dễ nhớ, dễ phát âm và vui nhộn", lấy ý tưởng từ bài hát nổi tiếng Umbrella của ca sĩ Rihanna. Ella, trong hình dáng một cách tay, có thể pha chế suốt ngày đêm và phục vụ tới 200 tách cà phê mỗi giờ, năng suất cao gấp 4 lần so với một nhân viên pha cà phê thông thường. Nhờ vậy, người tiêu dùng cũng sẽ tiết kiệm được thêm chi phí. Chẳng hạn như một ly latte do Ella pha chế có giá khoảng 3 USD, trong khi một ly cà phê bình thường tại Singapore có giá khoảng 4,5 USD.

Hiện Ella có thể được tìm thấy tại trung tâm thương mại Plaza Singapura tại Singapore, trong các văn phòng và tại các sự kiện trên khắp thế giới. Đầu tháng 12/2021, Ella đã được ra mắt tại các ga Tokyo và Yokohama sau khi Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) bắt tay hợp tác với Crown Digital để thử nghiệm quầy cà phê hoàn toàn tự động, được vận hành với chỉ với một nhân viên là người máy pha chế Ella. Ella dự kiến sẽ phục vụ khoảng 17 triệu lượt hành khách mỗi ngày tại hai nhà ga lớn trên.

Theo công ty JR East, hệ thống cà phê sử dụng người máy Ella sẽ có quy trình đặt hàng, phục vụ hoàn toàn tự động và thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, khách hàng có thể đặt mua cà phê thông qua ứng dụng chính thức sẽ sớm được ra mắt, chọn thời gian nhận hàng hoặc có thể đến trực tiếp quầy cà phê Ella để đặt hàng bằng màn hình cảm ứng tại đây.

Để thanh toán, hành khách có thể trả bằng thẻ tín dụng thông qua ứng dụng Ella hoặc thanh toán bằng thẻ du lịch IC, hay còn được gọi là thẻ trả trước, vô cùng tiện lợi. Hoặc nếu đến trực tiếp quầy để đặt hàng, hành khách còn có thể tận mắt chiêm ngưỡng màn pha cà phê điêu luyện của người máy Ella.

Nhờ sự hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ vận tải lớn JR East, Crown Digital đặt mục tiêu đưa Ella đến ít nhất 600 địa điểm trên khắp Nhật Bản trong ba năm tới.

Tại Singapore, các kế hoạch đặt Ella tại 30 ga tàu điện ngầm cũng đang được tiến hành, với sự hợp tác của Stellar Lifestyle, đại lý quản lý không gian bán lẻ và quảng cáo lớn nhất trong mạng lưới đường sắt của Singapore.

Tại mỗi ga, Crown Digital sẽ giới thiệu cho người dùng về khái niệm ăn uống không tiếp xúc, khách hàng có thể đặt bánh sandwich thông qua một ứng dụng và lấy chúng thông qua các ngăn nhỏ.

Hiện, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản và SMRT của Singapore đã đầu tư thêm cho Crown Digital, qua đó nâng tổng số tiền tài trợ mà startup này nhận được lên 3,1 triệu USD cũng như giúp Crown Digital đạt mức định giá hơn 35 triệu USD. Ông Tan kỳ vọng Ella sẽ tìm được "nhà" tại nhiều trung tâm thương mại hơn trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, Chris Holmes, Giám đốc điều hành tại IDC Insights châu Á-Thái Bình Dương cho biết không phải ai cũng hào ứng với sự phát triển của người máy. Theo ông, có rất nhiều lo ngại về việc người máy chiếm lấy công việc của con người, thêm vào đó cả người máy vật lý lẫn phần mềm đều đang làm thay đổi bối cảnh về việc làm.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính cho tới năm 2025, ngành tự động hóa sẽ thay thế khoảng 85 triệu việc làm. Tuy nhiên, cuộc cách mạng về người máy sẽ tạo thêm 97 triệu việc làm trong cùng kỳ.

Trong khi đó, theo ông Keith Tan, những người máy như Ella chỉ đơn giản là tạo ra những công việc có nhiều kỹ năng hơn cho con người. Ông khẳng định tự động hoá cuối cùng cùng sẽ xuất hiện trong những lĩnh vực thiết yếu hàng ngày của con người. Với ông, người máy pha chế mới chỉ là bước đi đầu tiên. Hiện tại, ông đang có kế hoạch tạo ra nhiều người máy hơn để hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục