"Bắt tay" kích cầu du lịch từ thị trường nội địa

17:50' - 09/06/2020
BNEWS Ngày 9/6, tại "Hội nghị kích cầu du lịch nội địa TP.HCM", các hiệp hội doanh nghiệp, công ty lữ hành thuộc nhiều tỉnh, thành đã thể hiện thông điệp liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch mới.

Ngày 9/6, tại "Hội nghị kích cầu du lịch nội địa Thành phố Hồ Chí Minh" do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các hiệp hội doanh nghiệp, công ty lữ hành thuộc nhiều tỉnh, thành đã thể hiện thông điệp liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch mới.

Đây cũng là chiến lược đáp ứng xu hướng của thị trường và định hướng phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

Tạo liên kết giữa doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài những chương trình tour tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thành phố còn cung cấp tour liên tuyến đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc với nhiều hoạt động khuyến mãi hấp dẫn, nhằm triển khai chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác vớ 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và đang lựa chọn những giải pháp phục hồi du lịch phù hợp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm 2020.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, trong liên kết hợp tác phát triển du lịch, một trong những vấn đề quan trọng nhất vẫn là liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trên cơ sở chính quyền địa phương làm cầu nối.

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang mở ra những lĩnh vực tiềm năng và nhiều triển vọng như du lịch y tế, dịch vụ y tế và mong muốn kêu gọi sự hợp tác giữa các bên để cùng phát triển những sản phẩm, dịch vụ cụ thể.

Điều này, không chỉ dừng lại ở việc góp phần tạo động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và những đơn vị liên kết, mà còn mang tính liên vùng và cả nước.

Với nhận định trong bối cảnh vắng khách du lịch quốc tế, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, chương trình Kích cầu du lịch nội địa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 là một sáng kiến đạt mục tiêu kép, vừa mang lại cơ hội cho ngành Du lịch phục hồi và phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Đáng chú ý hơn, chương trình này tạo được sự liên kết đa dạng ngành nghề, lĩnh vực trong ngành Du lịch, hình thành được chuỗi liên kết sản phẩm du lịch mang tính đồng bộ.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, phát huy sức mạnh liên kết địa phương tạo mối liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp là chìa khóa để mở cửa thị trường du lịch trong giai đoạn tới.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn phải nâng cao nhận thức về vai trò tiên phong, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.

Cùng với đó, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cần chủ động tham gia định hướng thị trường thông qua tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ thu hút khách.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng đề nghị, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước, cần có những chính sách kích cầu du lịch thiết thực và mạnh mẽ hơn.

Các địa phương liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh phải truyền tải được thông điệp điểm đến an toàn và phá vỡ rào cản tâm lý của người dân khi đi du lịch.

Du lịch là một ngành kinh tế, sự hưởng ứng của toàn xã hội sẽ tạo động lực cho ngành này phục hồi và phát triển.

Trong đó, những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... không chỉ cung cấp khách cho nhiều địa phương khác mà vẫn có nhu cầu đón khách về.

Mặt khác, doanh nghiệp cần hiểu rõ kích cầu với mục tiêu quan trọng nhất là tạo sự hấp dẫn về giá, điểm đến, dịch vụ, tiện ích... nên đòi hỏi liên kết chuỗi cung ứng với sự tham gia của tất cả thành phần liên quan trong ngành.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, kích cầu du lịch cần lựa chọn hai phương án, gồm: Giữ giá sản phẩm nhưng tăng dịch vụ, tiện ích hoặc giảm giá sản phẩm nhưng vẫn phải giữ nguyên chất lượng.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể triển khai đa dạng kế hoạch giảm giá, khuyến mãi và thực hiện ưu đãi, nhưng tránh tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng, nhất là cần khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị gia tăng của doanh nghiệp lớn.

Nắm bắt tín hiệu thị trường

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietnam Airline cho hay, hiện nay một số quốc gia có xu hướng du lịch "bong bóng" - du lịch song phương để mở cửa biên giới cho du lịch phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khó dự báo được xu hướng. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, kích cầu du lịch nội địa là một giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và nắm bắt tín hiệu thị trường.

Riêng Hãng Hàng không Vietnam Airlines, tính đến nay đã khai thác lại 50 đường bay với tất cả máy bay, công suất đạt 70%.

Vietnam Airlines xác định Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng và là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nên hầu hết đường bay của hãng đều nối với thành phố.

Thống kê cũng cho thấy, Vietnam Airlines có 30 chuyến bay/ngày từ Hà Nội và 15 chuyến/ngày từ Đồng bằng Bắc bộ... đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý giải thị trường có những tín hiệu khởi sắc, ông Lê Hồng Hà cho rằng, đó là do sự phối hợp liên ngành, cụ thể là ngành Hàng không và Du lịch. Hãng Hàng không Vietnam Airlines đã dành hàng nghìn ghế tham gia hoạt động kích cầu, bên cạnh những chương trình khuyến mãi, ưu đãi... cho nhiều điểm đến liên tục được triển khai trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, một lý do không thể không kể đến là Hãng Hàng không Vietnam Airlines đã nâng cao chất lượng dịch vụ, giá ưa đãi và uy tín đã tạo được niềm tin cho người dân.

Tương tự, nhiều hãng Hàng không khác đã đưa ra cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Du lịch nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng triển khai nhiều chương trình kích cầu.

Đơn cử, Hãng Hàng không Vietjet Air đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi không chỉ cho người dân, du khách mà còn cho nhiều đối tác du lịch, lưu hành nhằm khôi phục hoạt động kinh tế du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam.

Trong đó, từ tháng 6/2020, Vietjet Air khôi phục hoàn toàn các đường bay nội địa tại Thành phố Hồ Chí Minh, triển khai chương trình siêu kích cầu với 2,5 triệu vé chỉ từ 8.000 đồng trên tất cả các đường bay.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc triển khai chương trình kích cầu du lịch cần đảm bảo an toàn điểm đến và an toàn cho du khách, đồng thời xác định đây là điều kiện kiên quyết để phục hồi thị trường nội địa nói riêng, ngành Du lịch nói chung.

Chương trình kích cầu cũng phải được thực hiện đồng bộ và mở rộng ra cả nước, trên nền tảng tuân thủ quy định về y tế, cũng như phòng chống dịch bệnh.

"Do đó, thúc đẩy du lịch phát triển không phải là nhiệm vụ riêng của ngành, mà là mục tiêu của nền kinh tế trong đảm bảo tăng trưởng. Nhà nước cần đẩy mạnh đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là sự vào cuộc của những cơ quan liên ngành để hỗ trợ ngành Du lịch, mà cụ thể là hoạt động của doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi đổi mới sáng tạo và giới thiệu ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để thu hút khách", ông Vũ Thế Bình chia sẻ thêm.

Còn theo đại diện Khách sạn Sofitel Sài Gòn, đây là thời điểm "vàng" để Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, tận dụng cơ hội quảng bá du lịch, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Do đó, việc các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết, tạo động lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực thuộc ngành Du lịch sớm phục hồi và phát triển.

Trong đó, khách sạn cũng là một lĩnh vực quan trọng của ngành Du lịch, cũng như nền kinh tế khi hầu hết doanh nghiệp đầu tư vào thị trường Việt Nam đều cam kết phát triển lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục