Bầu cử Mỹ 2020: Gay cấn trước “màn so găng” đầu tiên

15:31' - 29/09/2020
BNEWS Tối 29/9 (theo giờ Mỹ), đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden sẽ bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên.

Tối 29/9 (theo giờ Mỹ), đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden sẽ bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, sự kiện chính trị quan trọng được đánh giá sẽ mang lại cả cơ hội cũng như tiềm ẩn không ít rủi ro đối với cả hai ứng cử viên khi chỉ còn khoảng 5 tuần nữa là chính thức diễn ra ngày bầu cử.

Đối với Tổng thống Trump, đây là một trong những cơ hội cuối cùng và cũng là tốt nhất để ông đảo ngược tình thế hiện nay, còn đối với ứng cử viên Joe Biden, đây có thể là màn đấu quyết định tương lai sự nghiệp chính trị của ông.

Bước vào cuộc tranh luận đầu tiên, Tổng thống Trump được đánh giá ở vị trí không mấy thuận lợi so với đối thủ chính trị Joe Biden. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Washington Post-ABC News thực hiện, cặp đôi liên danh tranh cử Joe Biden và Kamala Harris hiện đang dẫn trước Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence 10 điểm trong số các cử tri đã đăng ký và có thể đăng ký.

Các cuộc thăm dò tại những bang chiến trường và các bang dao động cũng cho thấy ứng cử viên Joe Biden đang xây dựng lại “Bức tường xanh lớn” ở các bang miền Trung Tây nước Mỹ, những nơi mà Tổng thống Trump đã giành chiến thắng vào năm bầu cử 2016.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi chiến dịch tranh cử theo truyền thống, khi đại hội của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến hay các cuộc vận động của hai ứng cử viên được tổ chức ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Nếu như năm 2016, các cuộc vận động của Tổng thống Trump thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người ủng hộ thì năm nay, con số đó đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, hoàn cảnh bất thường trong năm nay lại khiến số lượng phiếu bầu sớm hay bầu vắng mặt tăng đột biến, cũng như số khán giả theo dõi màn “so găng” đầu tiên giữa hai ứng cử viên sẽ cao hơn rất nhiều so với con số kỷ lục 84 triệu người vào năm 2016.

Cùng với đó, sự phân cực sâu sắc giữa hai đảng, "tính chất quen thuộc và không có yếu tố mới" của hai ứng cử viên tổng thống làm tăng số lượng cử tri dao động.

Đây là nhóm cử tri quan trọng mà ứng cử viên tổng thống nào cũng phải nhắm tới. Chính vì vậy, cuộc tranh luận trực tiếp này có ý nghĩa quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri, qua đó phần nào quyết định ai có thể trở thành chủ nhân thứ 46 của Nhà Trắng trong ngày bầu cử 3/11.

Đối với Tổng thống Trump, ông cần sử dụng cơ hội đặc biệt này để làm thay đổi cơ bản quỹ đạo cuộc đua, tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với một “trận đấu” hết sức khó khăn bởi sự kỳ vọng lớn của cử tri và những "bất lợi" trong vị trí là đương kim tổng thống.

Có nhận định cho rằng sự kỳ vọng trước khi bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp có thể đóng vai trò quan trọng hơn cả những gì thực sự xảy ra trong 90 phút tranh luận.

Trong năm bầu cử 2016, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton được cử tri kỳ vọng sẽ thắng trước ông Trump với khoảng cách 10 điểm, thì năm nay sự kỳ vọng lại dồn vào Tổng thống Trump.

Với kinh nghiệm từng là ngôi sao dẫn truyền hình thực tế và với phong cách công kích mạnh mẽ, Tổng thống Trump được đa số người Mỹ tin rằng sẽ chiếm ưu thế hơn trong các cuộc tranh luận trực tiếp với ông Biden.

Một cuộc thăm dò gần đây cho biết khoảng cách ông Trump dẫn trước ông Biden là 6 điểm và biên độ khoảng cách này tăng lên 10 điểm trong các cử tri độc lập.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của cử tri càng lớn thì áp lực đối với ứng cử viên sẽ càng cao bởi nếu không thể hiện thành công thì cử tri sẽ thất vọng.

Cùng với áp lực này, trên cương vị là người "đứng mũi chịu sào" đối phó với một loạt cuộc khủng hoảng hiện nay của nước Mỹ, như đại dịch COVID-19 khiến hơn 200.000 thiệt mạng, suy thoái kinh tế, biểu tình chống phân biệt chủng tộc, cũng như một loạt các vấn đề gây tranh cãi như việc bổ nhiệm thẩm phán Toà án Tối cao hay vấn đề nộp thuế, Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong cuộc tranh luận đầu tiên này khi phải đối mặt những câu hỏi về hiệu quả trong việc điều hành đất nước. Chủ đề này có khả năng khiến ông phải rơi vào thế phòng thủ và tạo cơ hội cho đối thủ Joe Biden tấn công.

Trong lịch sử, các tổng thống George Bush, Ronald Reagan và Jimmy Carter cũng gặp khó khăn trong các cuộc tranh luận đầu tiên với tư cách là tổng thống đương nhiệm và ông Trump có thể cũng không phải ngoại lệ.

Hơn thế nữa, Tổng thống Trump đã không có cuộc tranh luận nào trong gần 4 năm, trong khi ứng cử viên Biden có hàng chục cuộc tranh luận chính thức kể từ tháng 6/2019 và cuộc tranh luận gần đây nhất vào tháng 3 vừa qua.

Trong quá trình tranh cử, bài phát biểu của ông Biden chấp nhận đề cử tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đã được đón nhận một các tích cực.

Giới phân tích cho rằng những gì ứng cử viên Dân chủ thể hiện trái ngược với mô tả mà Tổng thống Trump và ban vận động tranh cử của ông đưa ra, rằng "ông Biden thiếu năng lượng và sự nhạy bén, không thích hợp với công việc".

Có thể nói bài phát biểu của ông Biden đã "vượt quá mong đợi" và điều này đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều cử tri dao động.

Mặc dù khi tới gần ngày tranh luận, Tổng thống Trump và ban vận động chiến dịch tranh cử của ông dường như thay đổi chiến thuật nhằm hạ thấp kỳ vọng của cử tri đối với ông Biden, tuy nhiên dường như mục tiêu này chưa đạt được.

Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá khả năng vượt trội của bất kỳ ứng cử viên nào bởi không giống những cuộc tranh luận ở các năm bầu cử trước, "màn so găng" trực tiếp đầu tiên trong năm nay được dự báo sẽ có nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Không loại trừ khả năng sẽ có những tình huống đối đầu “căng thẳng” khi hai ứng cử viên thể hiện tầm nhìn, chính sách, sự khác biệt cũng như tính cách về các chủ đề như đại dịch COVID-19, kinh tế, phân biệt chủng tộc và bạo lực, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, bổ nhiệm tại Tòa án Tối cao.... để cử tri Mỹ có thể so sánh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục