Bầu cử Mỹ 2024: Khoảng cách giới trong xu hướng bỏ phiếu ngày càng nới rộng

16:23' - 21/08/2024
BNEWS Theo dữ liệu thăm dò và các nhà phân tích, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump bộc lộ sự sự chia rẽ giữa hai nhóm cử tri nam giới và nữ giới.

Theo dữ liệu thăm dò và các nhà phân tích, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa không chỉ bộc lộ sự phân hóa về chính trị, mà còn cho thấy rõ sự chia rẽ giữa hai nhóm cử tri nam giới và nữ giới.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến của CBS được công bố tuần này, 56% trong số cử tri nữ được khảo sát cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Harris, trong khi 44% còn lại ủng hộ ông Trump. Ngược lại, trong số cử tri nam được khảo sát, 54% ủng hộ ông Trump và 45% cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.

 

Số liệu thăm dò gần đây của Siena/New York Times còn chênh lệch hơn nhiều. Theo đó, 56% số cử tri nữ được khảo sát ủng hộ Phó Tổng thống Harris, trong khi chỉ có 35% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Ngược lại, đối với cử tri nam, 52% số người được hỏi ủng hộ ông Trump và 39% ủng hộ bà Harris.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chính thức được đề cử là ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ tại Đại hội Toàn quốc của Đảng ở Chicago, Illinois, ngày 19/8/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Trong nhiều năm gần đây, các cử tri nữ ở Mỹ thường nghiêng về phía đảng Dân chủ, nhưng các nhà phân tích cho rằng cách biệt giới trong cuộc bầu cử lần này rất rõ ràng. Ông Frank Luntz, nhà thăm dò dư luận có tầm ảnh hưởng, nhân định đó không phải là "khoảng cách" mà là "hố sâu" chưa từng được ghi nhận trước đây. Theo chuyên gia này, việc chiến dịch vận động của ông Trump tập trung vào chỉ trích ngoại hình hay phong cách của bà Harris có thể làm mất lòng cử tri nữ, những người đang tìm kiếm một ứng cử viên tập trung vào tương lai.

Sự chia rẽ giữa cử tri nam và nữ gia tăng cũng liên quan những tranh cãi về quyền sinh con trong thời gian qua tại Mỹ. Nhiều tiểu bang bảo thủ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế quyền phá thai sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, bà Sonia Gipson Rankin, giáo sư luật tại Đại học New Mexico, nhận định mặc dù phá thai là vấn đề lớn, các ứng cử viên sẽ cần giải quyết nhiều mối quan tâm khác nhau và cho thấy chính sách của họ phù hợp và kết nối với đông đảo cử tri, bất kể giới tính hay các mối quan hệ cá nhân khác.

Đến nay, chiến dịch của Phó Tổng thống Harris vẫn tránh tập trung vào việc quảng bá rằng bà có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Bất kể kết quả cuộc bầu cử sắp tới ra sao, các nhà phân tích cảnh báo xu hướng phân hóa chính trị theo giới trong thế hệ trẻ ở Mỹ hiện nay đang trở nên rõ rệt hơn so với những thế hệ trước đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục