Bế mạc Phiên họp thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội

17:55' - 21/03/2017
BNEWS Chiều 21/3, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Tại phiên bế mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý hai dự án luật, Luật Quy hoạch và Luật Quản lý ngoại thương.

Với Luật Quản lý ngoại thương, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ ba.

Đối với dự án Luật Quy hoạch, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sắp tới và sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của 3 dự thảo luật, đó là dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi);

Đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra các dự án luật nói trên cùng cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh một bước báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp Quốc hội ít nhất 20 ngày.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ ba, gồm: Luật Thủy sản (sửa đổi), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo và một số vấn đề khác.

Cũng trong phiên họp của ngày hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Hiện nay, tại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tập trung nhiều công trình cao tầng, phức hợp với tính chất ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn.

Mặt khác, các diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết trong những năm qua làm cho nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, cháy, nổ... gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Theo số liệu thống kê của các Bộ, ngành, từ năm 2001 đến hết năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 444.311 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều sự cố khác, làm chết 177.587 người, bị thương 343.340 người.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục