Bế mạc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

19:41' - 22/04/2017
BNEWS Chiều 22/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc chương trình làm việc Phiên họp thứ 9.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết những nội dung quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; trong đó, về tiếp thu chỉnh lý sáu dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với nhau để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án trình ra Quốc hội.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình năm 2017, đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp các cơ quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện, hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo ra Quốc hội.

Chung quanh ý kiến về nguyên tắc bố trí danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo bằng văn bản về nguyên tắc, nội dung, đối tượng sử dụng đúng mục đích; trên cơ sở đó chuẩn bị văn bản thông báo về việc sẽ giám sát việc thực hiện của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, về quyết toán ngân sách năm 2015, Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra chính thức để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 10.

Về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 , Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra chính thức và báo cáo Quốc hội.

Về nội dung báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, Đoàn Giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp các cơ quan tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để Quốc hội thảo luận, quyết định tại Kỳ họp thứ ba.

Về đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện đề án, tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về thành lập bốn phường thuộc thị xã Sầm Sơn, thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; việc cử ủy viên Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; phê chuẩn 24 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại một số nước theo đề nghị của Chính phủ;

Thông qua dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện văn bản, trình ký các nghị quyết theo trình tự luật định...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn hai Bộ trưởng. Nhìn chung, nội dung chất vấn được cử tri đánh giá rất cao, nhất là việc chọn những vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu. Trên cơ sở kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính phối hợp hoàn thiện dự thảo nghị quyết này.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác xây dựng luật có chuyển biến tích cực, tuy nhiên những tồn tại yếu kém chưa khắc phục được một cách triệt để; cơ bản thống nhất với đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Chính phủ.

Tuy nhiên, bổ sung vào chương trình Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nghị quyết này sẽ được thông qua tại một kỳ họp. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp ra khỏi chương trình năm 2017; đồng thời đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc xin lùi đối với một số dự án luật để chuẩn bị kỹ hơn…

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục