Bên lề Kỳ họp Quốc hội: Áp dụng hóa đơn điện tử không ảnh hưởng đến nguồn cung xăng, dầu

14:20' - 23/11/2023
BNEWS Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, đây là nội dung đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu bên lề Kỳ họp Quốc hội sáng nay (23/11).

Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có điều chỉnh về kỳ điều hành từ 10 ngày xuống 7 ngày, cũng như đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hoá đơn điện tử tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.

Những nội dung này đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu bên lề Kỳ họp Quốc hội sáng nay (23/11).

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là xu hướng rất tích cực theo thông lệ quốc tế và lộ trình cải cách lĩnh vực thuế. 

Xu hướng phát hành hóa đơn điện tử là quan trọng, cần thiết, không chỉ giúp tăng cường quản lý, kiểm soát, mà còn tạo sự công khai, minh bạch.

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Với ý kiến cho rằng việc áp dụng quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường, đại biểu đoàn Hậu Giang nhấn mạnh: “Việc phát hành hóa đơn điện tử không ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, đây chỉ là thủ tục quản lý, cũng như thực thi kinh doanh hàng hóa thông thường. Việc phát hành hóa đơn có thể khó khăn trong quá trình thực hiện để phản ánh doanh thu tiêu thụ mặt hàng đó”.

Trong khi đó, áp dụng hóa đơn điện tử giúp tăng cường kiểm soát phát hành hóa đơn cũng như quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập. Bộ Công Thương cần nghiên cứu xem xét có đánh giá tác động và có chính sách phù hợp. 

Cùng với đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử còn liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào cho phù hợp, có thể đầu tư thêm những công nghệ mới, tính năng mới. Lúc này, việc xuất hóa đơn điện tử sẽ không quá khó khăn, phức tạp. 

Trước đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hoá đơn điện tử trong dự thảo sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu. Theo nội dung tờ trình, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, thời gian điều hành giá xăng dầu chỉ rút ngắn 3 ngày, từ 10 ngày xuống 7 ngày song việc này rất có ý nghĩa, thể hiện sự linh hoạt trong điều hành giá cũng như tăng tính cạnh tranh thị trường trong cơ chế điều hành.

 

 

Xăng dầu là mặt hàng có tính biến động lớn, liên thông chặt chẽ với thế giới, bất cứ động thái nào của thị trường thế giới về chính trị hay chính sách đều tác động ngay đến diễn biến thị trường trong nước. 

“Nếu không kịp thời điều chỉnh giá xăng dầu sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, gây khó cho doanh nghiệp, bởi đây là mặt hàng thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, tiêu dùng của người dân. Sự chênh lệch dù nhỏ nhưng tổng tiền lớn nên cần điều chỉnh nhanh, kịp thời, tránh tác động tiêu cực không đáng có”, vị đại biểu này cho biết.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục