Bên lề kỳ họp Quốc hội: Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn phát triển mới

14:54' - 05/04/2016
BNEWS Trả lời phỏng vấn BNEWS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trí Nhân (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng những năm tới nên chuyển sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển KTXH gắn với bảo đảm môi trường.

GDP quý I đạt 5,46% so với cùng kỳ năm 2015 và quý I là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế cả nước để từ đó có nhiều giải pháp cho giai đoạn tới. Đó là ý kiến cùng được các đại biểu Quốc hội bày tỏ bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII ngày 5/4. 

* Không vì thành tích 

Toàn cảnh hội nghị sáng nay ( 5/4). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trước đánh giá về tình hình kinh tế quý I có dấu hiệu chững lại là đáng mừng, chứ không đáng buồn vì chúng ta không vì thành tích mà nói thẳng những yếu kém của nền kinh tế để có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Chẳng hạn, hiện nay, Việt Nam có một nguồn tài nguyên quan trọng đó là dầu khí. Khi kinh tế không đạt được mục tiêu thì lại khai thác thêm sản lượng dầu nhiều hơn để bù vào đó cũng là bệnh thành tích.

Để đạt có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6,7% trong năm nay, khi điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn, tất cả các ngành sản xuất đang sụt giảm, nợ công đang tăng cao, ông Bảo cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo tin rằng, khi nền kinh tế bước vào cuộc thực sự, mọi việc đã được mang ra bàn luận một cách công khai, mạch lạc thì sẽ có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. 

"Đây lại là một tín hiệu tốt khi chúng ta thẳng thắn đưa khuyến điểm, ưu điểm còn tồn tại thì tiềm lực kinh tế của Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số tăng trưởng 6,7% mà còn có thể cao hơn, nhất là khi chúng ta hội nhập sâu, rộng.

Mặc dù, trước đây chúng ta hay đưa ra con số rất khó thực hiện, khi không thực hiện được thì bù bằng nhiều cách khác thì bây giờ chúng ta phải trở về thực chất." - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Việt Nam có rất nhiều tiềm lực để phát triển, ngành phát triển để mang lại lợi nhuận cao. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam có biết khai thác và phát huy tổng nguồn lực quốc gia hay không.

Mục tiêu của Chính phủ đã đề ra đều có những tính toán, khả năng thực hiện được, bài toán của Chính phủ cũng như Quốc hội đưa ra là bao giờ cũng trên tiềm năng một nền kinh tế có thể đạt được, chứ không bao giờ xây dựng một chỉ tiêu mà chúng ta khó đạt được.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn, để có bước đột phá nền kinh tế thì nên có những bước tính toán và đề ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn vì khi đặt mục tiêu cao hơn, kinh tế mới phát triển vượt bậc.

Quốc hội và tất cả các thành viên của Chính phủ, Quốc hội phải có một tư duy mới và điều cơ bản là phải phát huy lợi thế, phải chuyển từ tư duy quản lý mệnh lệnh hành chính của Chính phủ sang phục vụ, kiến tạo để phát triển cùng vào cuộc thì đất nước ta mới có bước phát triển vượt bậc.

* Ứng phó biến đổi khí hậu bảo đảm cho kinh tế tăng trưởng 

Đại biểu Nguyễn Trí Nhân (đoàn đại biểu Quảng Ngãi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, kinh tế quý I chững lại so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015 do tác động của nhiều yếu tố; trong đó, có yếu tố về biến đổi khí hậu, khiến cho sản xuất nông nghiệp bị giảm sút lớn trong khi đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn là cứu cánh cho nền kinh tế.

Do đó, trong thời gian tới, phải khẩn trương khắc phục những sự biến đổi cực đoan của biến đổi khí hậu và đây sẽ là giải pháp trước mắt và cũng là giải pháp lâu dài. Còn riêng ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết với nhiều giải pháp lâu dài, liên ngành và liên vùng … 

Để kinh tế phát triển trong năm 2016 hay cả giai đoạn 2016-2020, ông Nhân cho rằng, Việt Nam cần quan tâm tới tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Đặc biệt, tập trung vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là giải pháp trước mắt trong năm 2016 và cũng là giải pháp lâu dài, đồng thời, cần phải tính tới liên vùng, liên ngành liên lĩnh vực một cách đồng bộ.

Theo đại biểu Nguyễn Trí Nhân cũng cho rằng, những năm tới nên chuyển sang giai đoạn phát triển mới, giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế tham gia vào các hiệp ước quốc tế. Do đó, vấn đề bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu rất quan trọng và cần thiết.

"Chính phủ mới sẽ tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, quan trắc về môi trường và có chính sách để cho doanh nghiệp, doanh nhân và cả cộng đồng tập trung cho công tác bảo vệ môi trường; đảm bảo sự phát triển bền vững, đó cũng là cam kết của Việt Nam với thế giới là chủ động với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm cho kinh tế xã hội tăng trưởng và phát triển bền vững." - đại biểu Nguyễn Trí Nhân hy vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục