Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV: Tiếp tục giảm gánh nặng nợ công

14:23' - 21/07/2016
BNEWS Đảm bảo an toàn nợ công và giảm bội chi ngân sách là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Nhiều cử tri quan tâm tới việc đảm bảo an toàn nợ công và giảm bội chi ngân sách tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV ngày 21/7, phóng viên BNEWS đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Không bấm nút thông qua các khoản chi vượt dư toán

Nợ công là sự lo lắng của cử tri và của cả đại biểu Quốc hội. Nợ công liên quan đến cả chuỗi vấn đề mà việc đầu tiên cần làm là giảm bội chi ngân sách. Để làm được điều này lại phải chống thất thu ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Trong khi hoạt động thu ngân sách lại liên quan đến thu nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cho nên các Nghị quyết mới đây của Chính phủ rất thiết thực, giúp tạo môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư kinh doanh tốt để góp phần vào đòn bẩy ngân sách.

Bên cạnh đó, cùng với chống thất thu và khai thác nguồn thu cũng cần sử dụng hiệu quả các khoản chi. Hiện chi thường xuyên cho bộ máy hoạt động đã lên hơn 65% trên tổng chi; trong khi đó, năm 2011 chỉ ở mức khoảng 5%. Như vậy, buộc phải giảm chi thường xuyên trong tổng chi của nền kinh tế.

Muốn vậy, phải cải cách hành chính, rà soát bộ máy này, làm tốt công tác định biên để giảm bộ phận hưởng lương từ ngân sách nhà nước, khuyến khích tự chủ của bộ phận công lập… Riêng bộ máy hành chính phải tinh gọn và hiệu quả.

Hiện Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng rất chú trọng đến vấn đề này vì nếu làm tốt thì sẽ giảm được chi thường xuyên.

Các đại biểu Quốc hội và Quốc hội phải kiên quyết giữa kỷ cương, kỷ luật, không bấm nút thông qua nếu bội chi vượt ngưỡng, không chấp nhận bội chi vượt dự toán. Điều này có nghĩa là chúng ta đang quyết tâm giữ và đảm bảo an toàn nợ công, nhất là trong bối cảnh đảo nợ ngày càng tăng với dấu hiệu đáng lo ngại.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng): Vẫn còn dư địa đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%

Giai đoạn năm 2011 - 2015, tốc độ tăng nợ công gấp 2 đến 2,5 lần so với tăng trưởng GDP của Việt Nam và làm mất cân đối khả năng trả nợ. Đặc biệt, kỳ hạn phải trả lại ngắn hơn so với tốc độ chúng ta đạt được.

Từ năm 2013 – 2015 Việt Nam đã phải đi vay để đảo nợ. Trong khi đó, nợ công cũng là một trong những yếu tố quyết định sự tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế. Do đó, trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng đề cập đến sự tăng trưởng của nền kinh tế có dấu hiệu tích cực nhưng chưa bền vững là nằm ở yếu tố này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng). Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa để có thể cố gắng cao nhất, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% như mục tiêu đề ra. Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy 2 quý đầu năm, tốc độ giải ngân vốn trái phiếu, vốn xây dựng cơ bản… chưa đạt tiến độ so với cùng kỳ năm trước. Nếu đẩy nhanh tiến độ này thì sẽ cân đối được đầu tư.

Nhìn chung, cơ cấu nền kinh tế vẫn phải phụ thuộc vào đầu tư thì mới đạt được tốc độ phát triển. Tốc độ chậm là do giải ngân đầu kỳ chưa tốt. Nếu tăng tốc độ giải ngân thì tốc độ tăng trưởng sẽ được cải thiện.

Cùng đó, cần tuân thủ và thực hiện tốt 12 giải pháp của Chính phủ đề ra. Việc phân tích và dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế của các chuyên gia kinh tế cũng nên bám sát thực tiễn, chính xác, tránh gây hoang mang cho doanh nghiệp; cần tạo niềm tin để doanh nghiệp có ý chí thực hiện và phát triển; các nhận xét đánh giá phải có tính chất xây dựng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục