Bên lề Quốc hội: Cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế khi giảm lãi suất

17:19' - 24/05/2023
BNEWS Chiều 24/5, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) về tác động của việc giảm lãi suất điều hành đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo 2 Quyết định về lãi suất, điều chỉnh cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng; Quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Sau 2 quyết định của Ngân hàng Nhà nước về hạ lãi suất điều hành ban hành ngày 23/5/2023, nhiều ngân trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn.

Chiều 24/5, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) về tác động của việc giảm lãi suất điều hành đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Diêp Anh/BNEWS/TTXVN
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, ngân hàng khi cho vay nếu không cẩn thận sẽ mất vốn nên phải hạ lãi suất nhưng không được hạ chuẩn tín dụng. Trong bối cảnh doanh nghiệp muốn phục hồi cần vốn và cần điều kiện vay, nhưng nếu điều kiện vay không đảm bảo, nhà nước phải cấp vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.

 
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cái khó của doanh nghiệp không chỉ ở vấn đề lãi suất ngân hàng mà chính là những khó khăn khác mà doanh nghiệp đã phải trải qua 3 năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay. 

Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm, xuất khẩu giảm đã và đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Do đó, rất cần phải quan tâm đến kiểm soát độ mở của nền kinh tế vì quốc gia có độ mở lớn sẽ dễ bị “rung lắc” bởi tác động bên ngoài. 

“Nếu có những tác động thuận lợi thì nền kinh tế sẽ gặp thuận lợi. Nhưng trong bối cảnh những năm qua, tác động bên ngoài luôn xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, dẫn đến tình hình doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó kể cả tác động bên ngoài và bên trong. Với bối cảnh bất lợi như vậy, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định như hiện nay là thắng lợi, là nền tảng thúc đẩy cho tăng trưởng trong tương lai”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.

Nhìn nhận lại tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, trong quý I/2023, tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng 3,32% là con số chấp nhận được vì bối cảnh thế giới tác động xấu. 

Tuy nhiên, Việt Nam vừa phải có giải pháp ngắn hạn để chặn đà suy giảm, bởi nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 4% sẽ dẫn đến thất nghiệp gia tăng. Muốn vậy phải có giải pháp ngắn hạn và lâu dài, ngắn hạn là phải nới lỏng đến mức có thể chấp nhận được về chính sách tài khoá, chính sách tài khoá phải là chính sách đi đầu để có cơ sở, cơ hội và dư địa về sau. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng chỉ rõ, tổng nợ công của Việt Nam đã giảm từ 43% còn 38% là giảm cả số tuyệt đối và tương đối. Với dư địa này, chính sách tài khoá mở rộng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm sâu hơn tiền thuế, phí, tiền thuê đất… để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Hơn nữa, đầu ra của thị trường nội địa cần phải được chú ý vì những quốc gia có dân số đông, thường chú ý thị trường nội địa trước khi hướng ra ngoài, như Mỹ, Nhật Bản… độ mở thị trường sẽ là 40%, còn ở Việt Nam độ mở thường trên 180% nên phải chú ý thị trường trong nước.

Tuy nhiên, lúc này thị trường trong nước đang gặp khó khăn khi sức cầu của người dân đang suy giảm sau 2 năm COVID-19 và 1 năm xung đột Nga – Ukraine khiến thu nhập giảm. 

Bởi vậy, ngoài việc từ ngày 1/7 tăng lương, Nhà nước cần có gói an sinh xã hội nhiều hơn, tiếp sức cho người dân mà trước hết hỗ trợ cho nhóm yếu thế, gia đình chính sách hộ nghèo, người thân bị mất việc, mất đơn hàng vì dịch COVID-19.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo 2 Quyết định liên quan đến lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.

Cụ thể, Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 5 năm 2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Ngoài ra là Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 5 năm 2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng  theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Trong thông báo gửi đi vào tối 23/5 về việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Điều này nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều Ngân hàng Trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất. Trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.

Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các lãi suất điều hành như trên.

Như vậy, đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành, hai lần trước là ngày 14/3 và 31/3/2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục