Bên lề Quốc hội: Cân nhắc nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tổng thể

14:54' - 25/05/2022
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cân nhắc nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tổng thể

Sáng 25/5, Quốc hội đã thảo luận tổ về các nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và tình hình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các đại biểu bày tỏ ý kiến còn băn khoăn với các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng cuối năm cũng như việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (Nghị quyết số 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu): Cần có lộ trình và giải pháp thoái vốn, cổ phần hoá

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, nhiều khó khăn, thách thực vẫn hiện hữu; trong đó, có vấn đề giá xăng dầu khi ảnh hưởng tới giá cả tiêu dùng, chi phí vận chuyển, đời sống và sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung cầu hiện nay, Chính phủ cần đánh giá, dự báo sát với thực tế để có giải pháp kịp thời chỉ đạo và điều hành giá, cùng với đó là kiểm soát thị trường, đưa ra giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước và nhập khẩu, từ đó hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần xem xét việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong những tháng cuối năm. Đối với những dự án, công trình chậm tiến độ cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai để sớm khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Riêng đối với việc thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước rất chậm, 4 tháng đầu năm nay đạt 1.967 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán. Chính phủ nên cân nhắc lộ trình và giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Theo đó, Chính phủ có thể giao về địa phương thực hiện. Trong trường hợp địa phương thực hiện được, nguồn thu về ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng cơ bản, đầu tư cho phát triển. Địa phương cũng có động lực tham gia, nâng cao hiệu quả quá trình thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai): Xác định lại cơ sở kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu

Giai đoạn 2017 - 2021, nợ xấu cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Đây là kết quả tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này rất đáng băn khoăn khi nợ xấu là các khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 còn chưa xử lý xong thì đã có nhiều phát sinh mới. Trong khi đó, những vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42 trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thời gian qua chưa có hướng sửa đổi, bổ sung trong tờ trình.

Đáng chú ý, theo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.

Với mốc thời gian dự kiến này, Nghị quyết số 42 sẽ hết hạn trước thời điểm các luật trên có thể thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023 và có hiệu lực vào năm 2024. Như vậy, thời điểm đề nghị kéo dài nghị định đến ngày 31/12/2023 cũng cần cân nhắc, xem xét lại trên cơ sở bảo đảm xử lý triệt để nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang): Giảm áp lực giá phân bón để hỗ trợ nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế nhưng thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Những tháng đầu năm, dưới tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đặc biệt là xung đột giữa Nga – Ukraine, giá vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón trong nước tăng rất nhanh, trong khi giá nông sản gần như không tăng. Điều này tác động lớn đến thu nhập và đời sống của người dân.

Thống kê nhu cầu sử dụng phân bón trong nước hàng năm khoảng 11 triệu tấn; trong đó, tự sản xuất 7 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn nhưng vẫn xuất khẩu 1,6 triệu tấn.

Trước thực trạng này, đề nghị Chính phủ xem xét chính sách thuế xuất khẩu phân bón hiện nay, đồng thời có biện pháp kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng này, bảo đảm nguồn cung trong nước. Thậm chí, Chính phủ có thể áp dụng biện pháp tạm thời dừng xuất khẩu phân bón để hạn chế tình trạng khan hiếm và giá cả leo thang của mặt hàng này.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh chuyển hướng sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhưng chuyển biến ở địa phương còn chậm. Nông nghiệp chưa tập trung nhiều vào sản xuất công nghệ cao, thương hiệu mạnh gắn với truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng để phục vụ sản xuất chính ngạch. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm thô và tiểu ngạch. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc hàng nghìn container bị ùn ứ ở cửa khẩu tại Lạng Sơn trong thời gian qua.

Như vậy, để công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thì Chính phủ quan tâm hơn đối với việc phục hồi và phát triển nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, nhất là chế biến và chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục