Bên lề Quốc hội: Chú trọng đầu tư công cùng với tiết kiệm chi thường xuyên

16:27' - 11/11/2021
BNEWS Chiều 11/11, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, cùng với nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ảnhh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Phóng viên: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Chính phủ cho thấy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn chậm. Theo đại biểu, nguyên nhân của tồn tại này nằm ở đâu?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Có thể thấy, thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp đã diễn ra nhiều năm. Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch bệnh, tỷ lệ ngày càng thấp. Theo tôi, nguyên nhân nội tại dẫn tới thực trạng này thuộc về năng lực của bộ máy thực hiện, còn dịch COVID-19 vừa qua chỉ là yếu tố khách quan, tác động thêm.

Theo đó, năng lực giải ngân của cơ quan có trách nhiệm còn hạn chế, kế hoạch phân giao xong chỉ còn phân bổ vốn nhưng từ cuối năm này đến cuối năm sau mới làm xong thì kế hoạch đầu tư công khó có thể hoàn thành được.

Về năng lực của cơ quan tổ chức dự án từ thông qua chủ trương đến xây dựng cấu thành nội dung không đảm bảo chất lượng. Có những dự án đưa ra tính cấp bách cao nhưng khi thẩm định, ban hành chủ trương, thậm chí hoàn thành thì hiệu quả lại không cao. Đây là câu chuyện lựa chọn vấn đề, xác định muc tiêu, xây dựng quy mô và đánh giá tác động chưa sát. Điều này thấy rõ trong vấn đề giải phóng mặt bằng của các dự án mà Quốc hội đang cho thí điểm tách nội dung thành dự án riêng.

Phóng viên: Vậy giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, thưa đại biểu?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tăng trưởng của nền kinh tế. Vậy nên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, theo tôi, cần tháo gỡ điểm nghẽn về năng lực của các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như lựa chọn vấn đề, xác định mục tiêu, xây dựng quy mô và đánh giá tác động thật sát.

Chỉ khi khơi thông được các điểm nghẽn này thì thực hiện giải ngân vốn đầu tư công mới đúng tiến độ. Từ đó, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội trong thời gian tới. Hay nói các khác, nhờ tạo tính kết nối, lan toả của các dự án, công trình đầu tư là giá trị vô hình khi tương tác với nhau sẽ tạo ra giá trị hữu hình, sinh lợi trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế.

Đơn cử, trong lĩnh vực giao thông, trong cơ cấu vốn đầu tư công phải chọn đúng, chọn trúng điểm kích hoạt, nút giao thông có tính lan toả, liên kết vùng. Điều này vừa giải quyết được vấn đề của địa bàn mà các địa phương xung quanh cũng được hưởng lợi trong phát triển kinh tế - xã hội; không chọn những dự án mang tính cắt khúc, cục bộ một nơi, một điểm.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta cần cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung vào các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách và những công trình đã chuẩn bị hoàn thành. Cùng với đó, chỉ đầu tư cho những công trình, dự án nào thực sự cấp bách, đe dọa đến an sinh xã hội và an ninh quốc gia thì mới dùng nguồn lực của nhà nước để hoàn thành và phải hoàn thành ngay trong kỳ mà chúng ta xây dựng kế hoạch.

Phóng viên: Trong khi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, theo đại biểu, giải pháp nào cần lưu ý trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tới đây?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Tôi cho rằng, để có thêm nguồn lực phục hồi các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư công song song với tiết giảm chi thường xuyên với những khoản chi không cần thiết như: hội họp, công tác nước ngoài, mua sắm trang thiết bị, mua sắm… nhất là trong các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, phải tiết giảm khoản chi này từ dự toán, tức là ngay từ khâu dự toán đã phải tính đến việc tiết kiệm. Song song đó, phải siết chặt kiểm soát chính sách mới ban hành tác động đến chi tiêu ngân sách. Chính sách ban hành mới phải phù hợp với năng lực tài chính quốc gia trên cơ sở cân đối được thu chi.

Tóm lại, trong khi cả nước đang dồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế thì phải siết chặt thu chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên. Thậm chí, Chính phủ có thể phát động phong trào tiết kiệm để dồn nguồn lực cho phát triển.

Phóng viên: Đối với chi tiêu công là vậy, đại biểu có khuyến nghị gì đối với chi tiêu tư trong bối cảnh tình hình mới hiện nay?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Quy mô nền kinh tế cũng như tiềm lực về ngân sách nước ta còn nhỏ so với các nước khác và thực tế vẫn phải vay để đầu tư phát triển cũng như vẫn còn bội chi nên áp lực chi còn lớn.

Trong bối cảnh này, nếu các quốc gia có quy mô nền kinh tế đủ lớn, họ kích cầu chi tiêu, tiêu dùng chính phủ từ đó lan toả đến tiêu dùng xã hội thì tôi cho rằng, chưa phù hợp để áp dụng biện pháp này và phải cân nhắc kỹ giữa chi tiêu công và chi tiêu tư.

Nếu như chi tiêu công cần phải siết chặt để dồn nguồn lực cho phát triển thì ngược lại, với chi tiêu tư cần khuyến khích để kích thích tiêu dùng. Từ đó, thị trường mới sôi động trên nhiều lĩnh vực và nền kinh tế mới sống động trở lại.

Một trong những giải pháp có thể tính đến như miễn, giảm thuế, phí cho mặt hàng thiết yếu, thậm chí các loại hàng cao cấp hơn như ô tô, xe máy… Thông qua đó, giảm chi phí của người mua mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, kích thích tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, giảm ở khu vực này có thể sẽ kéo theo tăng ở khu vực khác nên tôi cho rằng, chính sách nào cũng cần tính toán kỹ lưỡng về yếu tố thích ứng với nền kinh tế trong đại dịch./.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục