Bên lề Quốc hội: Cơ chế huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương

15:08' - 22/10/2021
BNEWS Sáng 22/10, tiếp tục chương trình, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Bên lề Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh việc tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương thông qua dự thảo này.

Đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An): Tạo cơ chế chủ động trong huy động vốn

Với tỉnh Nghệ An, dự thảo Nghị quyết tập trung vào các cơ chế chính sách như: chính sách dư nợ vay; ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố… Dự thảo đã quy định rất rõ các mức là mức dư nợ, huy động ngân sách của tỉnh và xác định rõ sự hỗ trợ của Trung ương kèm theo các điều kiện cụ thể. Tức là tạo cơ chế chủ động cho Nghệ An trong vấn đề huy động vốn, nhưng khống chế trong tỷ lệ nhất định.

Đặc biệt, tỉnh Nghệ An có quyền huy động nguồn lực mà nguồn lực này là các nguồn lực tài chính trong nước và các nguồn vốn khác. Còn đối với nguồn vốn nước ngoài phải vay qua nguồn vay của Chính phủ để tránh tình trạng các địa phương không kiểm soát được nguồn vốn vay. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng theo hướng phân cấp và tạo sự chủ động cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, song vẫn bảo đảm quá trình huy động vốn không tràn lan.

Nếu Nghị quyết này được Quốc hội thông qua sẽ là thời cơ rất thuận lợi đối với Nghệ An để vươn lên là tỉnh phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi tỉnh cần chủ động xây dựng, ban hành chủ trương chính sách kịp thời và hiệu quả trên tinh thần Nghị quyết. Nếu không triển khai sẽ chậm mà chậm sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung. Bởi, hàng năm phân bổ định mức của Trung ương đều rà soát lại, tỉnh phải triển khai và báo cáo lại theo lộ trình trong 5 năm tới, nếu Nghị quyết được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn Bình Thuận): Kích thích đổi mới, sáng tạo và thu hút lao động chất lượng cao

Trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, tôi đánh giá cao việc thiết kế chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Chính sách này không chỉ phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp mà qua đó còn tạo động lực, tăng năng suất và nâng cao đời sống của người lao động tại địa phương.

Đặc biệt, đây sẽ trở thành cơ chế đột phá cho Hải Phòng khi Hội đồng nhân dân thành phố được phép quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể gây nguy cơ đứt gãy chuối cung ứng lao động, chính sách này sẽ thu thu hút nhân lực chất lượng cao, giúp địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.  

Tuy nhiên, chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mới được được Chính phủ dự kiến trình Quốc hội áp dụng cho thành phố Hải Phòng, các địa phương khác chưa dược đề cập tới. Theo tôi, Quốc hội có thể xem xét cho phép các địa phương đề xuất cơ chế, chính sách giải pháp gắn với việc nâng cao thu nhập của người lao động để kích thích các hoạt động liên quan đến đổi mới, sáng tạo, đóng góp đưa các đại phương này trở thành trung tâm phát triển dẫn dắt kinh tế của cả nước.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên): Không để quy hoạch khó nhưng điều chỉnh dễ

Việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, theo tôi là cần thiết. Trên cơ sở chính sách, cơ chế này sẽ tạo sự đột phá trong việc phát triển kinh tế, cũng như nâng cao đời sống xã hội của địa phương trong giai đoan tới.

Tuy nhiên, dự thảo các nghị quyết tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn là tài chính – ngân sách, đất đai và quy hoạch. Tôi băn khoăn, với một chính sách đặc thù phát triển thì liệu 3 nhóm chính sách đã đủ tạo động lực để phát triển chưa và nguồn lực thực hiện thế nào thì chưa được tính toán.

Bên cạnh đó, đối với chính sách lớn, quan trọng tại các địa phương như quy hoạch, nhất là cách thành phố đang phát triển như: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, thành phố cổ như Thừa Thiên Huế, nếu giao thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng chung xây dựng chức năng cho địa phương theo tôi là cuộc cách mạng.

Thực tế, tại Tp. Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đất ở thành phố Thủ Thiêm, sau đó thành phố điều chỉnh lõi bên như hạng mục đất dành cho người dân tái định cư nằm trong vũng lõi khu đô thị thì chuyển sang làm kinh doanh, giao cho doanh nghiệp xây dựng trung tâm, thương mại, khách sạn dẫn tới người dân không đồng tình, khiếu kiện kéo dài.

Quy hoạch đem lại bộ mặt khang trang, dấu ấn cho địa phương, nếu giao cho địa phương cũng là trách nhiệm lớn cho địa phương để làm sao quy hoạch đô thị, quy hoạch nội khu không phải điều chỉnh. Hiện nay, quy hoạch thường điều chỉnh tối thiểu từ 2-3 lần, trong khi quy hoạch khó mà điều chỉnh rất dễ. Vậy nên, nếu đã phân cấp quy hoạch cho các địa phương thì có barem nhất định để quy định rõ trách nhiệm của các địa phương./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục