Bên lề Quốc hội: CPTPP - Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

14:04' - 01/11/2018
BNEWS Hiệp định CPTPP với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn và kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu cũng tăng lên và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp quốc hội (sáng 01/11/2018). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Dự kiến, ngày 2/11, Chủ tịch nước sẽ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định CPTPP với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn và kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu cũng tăng lên và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế của hiệp định này bên cạnh việc phải đối mặt với một số thách thức trong việc cải thiện tác động lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để tận dụng tốt nhất những ưu đãi mà CPTPP mang lại.

*Cải thiện môi trường

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Đúng như cái tên của nó, CPTPP là một hiệp định tương đối toàn diện bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Do đó, CPTPP vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.

Lý giải thêm về vấn đề này, Bộ trưởng cho hay, bên cạnh những lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam nhất là các lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế, Hiệp định CPTPP còn tạo ra sự thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế và là điều kiện để Việt Nam có tăng trưởng bền vững hơn.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương), trong số những FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán thì CPTPP là hiệp định có độ mở cửa thị trường cao nhất, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Cụ thể, sẽ có tới 66% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (trong đó các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như nông sản – thủy sản, điện tử), 86,5% dòng thuế sẽ về 0% sau 3 năm và sau 11 năm có 97,8% dòng thuế sẽ được xóa bỏ.

Không chỉ điều chỉnh các vấn đề thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà CPTPP còn điều chỉnh nhiều vấn đề mới như thương mại điện tử, mua sắm công, lao động, môi trường…

Bà Phạm Quỳnh Mai cho biết thêm, Hiệp định CPTPP bao trùm thị trường gần 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, là FTA có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp khi tạo ra động lực thúc đẩy mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều quốc gia mới như Canada, Mexico, Peru…

Vì vậy, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và mức độ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Không những thế, CPTPP còn tạo ra động lực để Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp lý – thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp.

Nhận định từ giới phân tích cũng cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo kết quả một khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu của HSBC, tại 6/11 quốc gia gồm Australia, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam thì khoảng 63% các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ.

Chuyên gia kinh tế TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh: CPTPP sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, kĩ năng và tác động trực tiếp, gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia CPTPP ngoài việc đem lại rất nhiều cơ hội thì đây cũng là thách thức. Bởi, khi đã bước vào cuộc chơi, doanh nghiệp cũng cần phải chấp nhận sẽ có những rủi ro, thách thức. Dù vậy thách thức đôi khi lại là điều cần thiết để có cơ hội tốt để phát triển bền vững và nhanh hơn.

*Vượt lên thách thức

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam trong Khu công nghiệp Phố nối B (huyện Mỹ Hào). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Đánh giá tổng quan về những tác động từ Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, những tác động tích cực của Hiệp định CPTPP tương đối toàn diện, tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại.

Cụ thể, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ có không ít khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp và người dân.

Bởi, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) cho thấy nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực.

Ngược lại “nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập thì tất yếu sẽ phải trả giá” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Phân tích cụ thể về những thách thức này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Khi tham gia CPTPP, đối với Việt Nam, ngành dịch vụ, viễn thông, bưu chính, thương mại điện tử, dệt may, da giày… dự báo sẽ tiếp tục có tăng trưởng đột biến.

Tuy vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Nguyên nhân là do lĩnh vực này được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang rất thấp so với các quốc gia khác.

Chia sẻ thêm về thách thức, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện.

Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Do vậy, khi tham gia Hiệp định này doanh nghiệp không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao… sẽ khắc nghiệt hơn.

Theo ông Lương Hoàng Thái, hội nhập sâu vào thị trường thế giới không chỉ là niềm vui được đứng ngang hàng với các quốc gia khác mà cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực,… để vượt qua được những thách thức và nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững.

Chế biến sản phẩm cá ngừ đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên khác, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Tất cả điều đó tạo ra sức ép lớn đối Việt Nam trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Nếu Việt Nam không hóa giải được những thách thức nói trên thì doanh nghiệp không những không tận dụng được cơ hội từ CPTPP mà còn có nguy cơ bị “lép vế” ngay trên sân nhà.

Để tận dụng được các lợi ích và khắc phục những khó khăn, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với hiệp định cũng như thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Theo các chuyên gia, CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Điều này thể hiện qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Bởi, đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục