Nắm bắt cơ hội từ CPTPP

18:46' - 25/07/2018
BNEWS Để tận dụng các cơ hội từ các FTA, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ nội dung cam kết và thay đổi quy trình sản xuất cho phù hợp thị trường.
Nhằm giúp các doanh nghiệp ở Đông bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nắm bắt cơ hội từ CPTPP mang lại, cũng như những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường Trung Quốc, ngày 25/7/2018, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức hội thảo "Kinh tế ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2018 - Cơ hội từ CPTPP và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc". Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Nhằm giúp các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cũng như những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường Trung Quốc, ngày 25/7, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI ), Chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức hội thảo "Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2018 - Cơ hội từ CPTPP và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc".
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2018, qua khảo sát nhanh của 62 doanh nghiệp hội viên cho thấy, có 83,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tích cực, 12,9% doanh nghiệp nhận định xấu đi.
Các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn là do có sự chuẩn bị trước về thị trường, nguyên liệu nằm nhiều trong nhóm ngành chế biến gạo, tôm xuất khẩu.... Các doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào chất lượng sản phẩm, sản xuất hàng chất lượng cao, nhu cầu của các thị trường tăng cao. Do đó, thu hút thêm nhiều đơn hàng mới và tiếp cận được nhiều khách hàng mới. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ từ sự tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kinh doanh ổn định chủ yếu ở nhóm ngành thương mại, dịch vụ, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Chi phí đầu vào và thị trường đầu ra ổn định, duy trì tốt thị trường và khách hàng truyền thống. Doanh nghiệp chủ động trước tình hình biến động của thị trường và nguồn nguyên liệu đầu vào.
Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hơn chủ yếu rơi vào ngành sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu và kinh doanh dược phẩm. Nguyên nhân chính là do tình hình nguyên liệu biến động phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, giá nguyên liệu và nhiên liệu tăng cạnh tranh gay gắt về giá bán trên thị trường.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh số và lợi nhuận tăng nhưng lợi nhuận không tăng tương xứng với doanh thu do đặc thù hàng hóa của doanh nghiệp. Mức tăng cao nhất từ 75 - 100% thuộc về doanh nghiệp hoạt động nuôi tôm, chế biến tôm xuất khẩu và kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

Đối với nhóm doanh nghiệp có nhóm doanh thu giảm xuống phần đông thuộc về các lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu thủy sản. Nguyên nhân doanh thu giảm là do thị phần xuất khẩu sang EU giảm, giá mua nguyên liệu ngày càng tăng.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2018, có 90,3% doanh nghiệp nhận định sản xuất ổn định và có hướng tốt hơn; trong đó, có 37,8% doanh nghiệp nhận định tốt hơn, 51,6% doanh nghiệp nhận định sản xuất kinh doanh ổn định và chỉ có 9,7% doanh nghiệp nhận định kinh doanh xấu thêm. Có 80,6% doanh nghiệp tiếp tục quy mô sản xuất bình thường và gần 20% doanh nghiệp đã có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Cũng trong 6 tháng cuối năm, có 30% doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng doanh số khoảng dưới 25% (chủ yếu là các doanh nghiệp thủy hải sản, gạo, hàng may mặc), 14% doanh nghiệp tăng doanh số trên 25%, 10% doanh nghiệp cho rằng, không tăng doanh số và 6% doanh nghiệp có doanh số giảm. Có 10% doanh nghiệp nhận định trong 6 tháng cuối năm lợi nhuận sẽ không đổi, 34% doanh nghiệp lạc quan với mức lợi nhuận tăng và 14% cho rằng lợi nhuận sẽ giảm...
Từ những số thông tin trên cho thấy, số doanh nghiệp sản xuất ổn định và tốt hơn ở hiện tại và và thời gian tới ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ cao và lạc quan hơn. Đây cũng là lý do giúp cho 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 8,2 tỷ USD, tăng khoảng 1,45 tỷ USD so với cùng kỳ. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất khẩu đạt khoảng 17 tỷ USD.
Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Chuyên gia Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, hiện nay Việt Nam đang tham gia rất nhiều FTA ở khu vực và quốc tế; trong đó, có CPTPP vừa tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nhưng cũng tác động đến cơ chế chính sách của nhà nước ta, tạo cho doanh nghiệp những thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng để cạnh tranh.
Tác động của CPTPP đối với chính sách thông qua mối quan hệ về các yêu cầu về đảm bảo sự công bằng, các yêu cầu về đảm bảo tính minh bạch, các yêu cầu về phòng chống tham nhũng và các yêu cầu tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự. Để tận dụng các cơ hội từ các FTA, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ nội dung cam kết và thay đổi quy trình sản xuất cho phù hợp thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi Hoa Kỳ rút khỏi CPTPP, rất nhiều các quy định ràng buộc trong CPTPP đã bị bỏ qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó có các doanh nghiệpViệt Nam. Tuy nhiên, việc đón nhận CPTPP của các doanh nghiệp Việt Nam cũng không cao vì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định trong tương lai có nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ quay lại với sân chơi CPTPP nên các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có sự chuẩn bị trước để sẵn sàng tham gia vào sân chơi rộng lớn này.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tham gia tọa đàm với các nội dung như: những chính sách đã hoặc sẽ ban hành ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để tận dụng chính sách nhà nước mang lại và thích ứng với nhu cầu hội nhập. Thông điệp của doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm đối với thị trường Trung Quốc và CPTPP có hiệu lực.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục