Bên lề Quốc hội: Đổi mới tư duy trong phát triển hạ tầng giao thông

20:48' - 07/06/2023
BNEWS Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là những vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; quản lý đăng kiểm; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi bằng lái xe…là những vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các đại biểu tranh luận, giải đáp làm rõ tại phiên chất vấn chiều 7/6.

Cử tri Vũ Quân, quận Đống Đa cho rằng, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải được Bộ trưởng trình bày tại phiên chất vấn, phần chất vấn, tranh luận của các đại biểu và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khá toàn diện nhưng cụ thể đối với các vấn đề đang đặt ra với ngành Giao thông Vận tải như tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm; sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực… 

Quan tâm đến nội dung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, cử tri Phạm Lượng, Giám đốc Công ty cổ phần VRO cho rằng, ùn tắc giao thông là vấn đề nóng bỏng xảy ra ở Hà Nội nhiều năm qua, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết trở thành nỗi ám ảnh trên các tuyến đường ra, vào nội đô. Để giải quyết vấn nạn này, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài, trong đó đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, trong khi đó việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín; thiếu các cầu qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, Thượng Cát...) để tăng tính kết nối.

Trong điều kiện nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, theo cử tri Phạm Lượng, việc toàn ngành Giao thông Vận tải đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, qua đó đã cơ bản triển khai hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ được giao như Bộ trưởng thông tin là những tín hiệu khởi sắc.

Điển hình như công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã đạt trên 96,5% kế hoạch; 5 tháng đầu năm 2023 đã đạt trên 30% kế hoạch, tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Tiến độ hoàn thành các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông – vận tải cơ bản được bảo đảm, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 566km đường cao tốc từ đầu nhiệm kỳ. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế được Bộ và các địa phương triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ được giao. 

Các giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra để tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạt tầng giao thông, gồm thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận; huy động sự nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương; mạnh dạn phân cấp từ trung ương đến địa phương. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng. Bên cạnh đó huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng lĩnh vực, xây dựng và áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ trọng yếu, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các cảng biển, cảng hàng không quan trọng. Tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác..., theo cử tri Phạm Lượng nếu triển khai đồng bộ được các giải pháp này sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông.

Đối với đề nghị của một số địa phương, các tuyến đường quốc lộ chạy qua các tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải nhưng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương thì cần có cơ chế dùng ngân sách địa phương để đầu tư, mở rộng, sau đó sẽ bàn giao cho Trung ương quản lý như ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) phản ánh, theo cử tri Phạm Lượng là rất cần thiết. Cử tri Phạm Lượng cho rằng, trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã nêu rõ theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, tuyến cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, còn tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, nhiều tuyến đường xuống cấp, nên một năm ngân sách Trung ương giao cho Bộ chỉ đáp ứng 66% cho hạ tầng. Trong bối cảnh ngân sách Trung ương có hạn mà địa phương có khả năng bố trí được, việc để địa phương cùng Trung ương đầu tư nâng cấp là rất cần thiết. Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp các bộ ngành xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ. Chính phủ đã họp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trong lúc chưa sửa được luật, để Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Cùng với đó, Bộ cũng đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đường bộ để thực hiện khi luật được thông qua. Cử tri Phạm Lượng hy vọng Quốc hội sớm có nghị quyết về vấn để này để thúc đẩy hạ tầng giao thông phát triển.

Theo dõi phiên chất vấn, đặc biệt quan tâm vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, cử tri Nguyễn Văn Dân, kỹ sư giao thông, sinh sống tại tòa nhà Mipec Tower (quận Đống Đa) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng và các đại biểu đã nêu được những điểm nghẽn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vốn đầu tư mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã đề ra.

Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành tại một số dự án chưa bắt kịp yêu cầu, chậm đổi mới. Việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án. Theo cử tri Nguyễn Văn Dân, hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng, đi trườc, mở đường cho phát triển nên cần được quan tâm thỏa đáng, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư.

Liên quan đến những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, cử tri Đoàn Anh Tuấn, Khu tập thể nhà máy công cụ số 1, phường Thượng Đình,quận Thanh Xuân cho biết, bản thân cảm thấy lo lắng trước những vụ sai phạm trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thời gian qua, do đó theo dõi chặt chẽ phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với vấn đề này.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải được Bộ trưởng trình bày tại phiên chất vấn đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thời gian qua như: Cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam chậm đổi mới, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Cục Đăng kiểm không có lực lượng thanh tra chuyên ngành độc lập để thực hiện chức năng thanh tra, giám sát thường xuyên đối với lĩnh vực đăng kiểm; các hành vi vi phạm của một số cán bộ đăng kiểm rất tinh vi và khép kín khó phát hiện…

Tuy nhiên, đồng quan điểm với ý kiến của đại biểu tại phiên chất vấn, cử tri Đoàn Anh Tuấn cho rằng, giải pháp kéo giãn thời gian kiểm định nhưng vẫn giữ cơ chế tài chính như hiện nay chỉ là giải pháp cấp bách, tình thế  khó khăn cho việc duy trì hoạt động thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp. Để giải quyết căn cơ cần đổi mới cơ chế tài chính đối với hoạt động đăng kiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy  trì hoạt động, thu hồi vốn đầu tư.

Cử tri Đoàn Anh Tuấn cho rằng, việc khẩn trương sửa đổi các quy định về đăng kiểm là rất cần thiết. Các giải pháp Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai hiện nay đã kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực đăng kiểm, giải tỏa áp lực cho các trung tâm đăng kiểm, giúp người dân đăng kiểm thuận lợi. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này, đảm bảo hài hòa giữa nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đăng kiểm của người dân và lợi ích cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục