Bên lề Quốc hội: Giám sát thực thi và quy trách nhiệm người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy

14:28' - 19/06/2024
BNEWS Trước hàng loạt vụ cháy xảy ra liên tiếp gần đây gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhận được sự quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 19/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới. Trước hàng loạt vụ cháy xảy ra liên tiếp gần đây gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, dự án Luật này nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Tại hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến đại biểu xung quan việc tăng cường kiểm soát trong thực thi các quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng như quy trách nhiệm của người đứng đầu.

* Đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn Đồng Tháp: Quy trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng

Phòng cháy, chữa cháy cứu hộ, cứu nạn rất quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay. Tại Nghị trường các đại biểu đã bàn nhiều về biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Tôi rất ủng hộ những quy định trong dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, phải nói rằng phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, chứ không chỉ riêng của cơ quan phòng cháy. Do đó, cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân về phòng cháy. Đặc biệt sắp tới đây phải tuyên truyền, vận động để cho người dân hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy.

Trước tiên là trong nhà trường, bên ngoài quần chúng nhân dân và những quy định rạch ròi cụ thể. Những nơi, đối tượng, cơ sở nào để phát sinh cháy phải có quy định cụ thể, rõ ràng nếu không đáp ứng được những điều kiện quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ không cho phép sản xuất, kinh doanh.

Còn đối với những cơ sở từ trước đến nay ít xảy ra hoặc không xảy ra cháy nên có quy định thoáng hơn. Nếu quy định phòng cháy, chữa cháy “cào bằng” tất cả mọi đối tượng với 1 quy chuẩn là không hợp lý.

Tôi rất hoan nghênh ủng hộ việc đưa vào Luật Phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Đây là vấn đề rất quan trọng. Mặc dù chúng ta đề ra nhiều nhiệm vụ, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy nhưng nếu người đứng đầu lơ là, thiếu kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên sẽ có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trong thời gian qua.

Thực tế, mặc dù đã được rút kinh nghiệm nhiều lần, nhưng vẫn xảy ra tình trạng này. Do đó, tôi cho rằng phải xem xét lại tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp cơ sở. Như vậy, khi có sự việc xảy ra sẽ quy trách nhiệm cụ thể, khách quan, công tâm hơn trong xử lý hành chính đối với những cán bộ lơ là mất cảnh giác, thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy.

Thời gian qua, Hà Nội cũng đã ban hành chỉ thị quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn và nêu gương của người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm nay đã xảy ra nhiều vụ cháy gây chết người, nhưng chưa xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc cơ quan phòng cháy, chữa cháy.

Bởi vậy, người dân lo ngại, chỉ thị đó chỉ “nằm trên giấy”. Khi ban hành, chỉ thị là văn bản quy phạm pháp luật thì cần thiết phải tổ chức thực hiện. Do đó, đề nghị thành phố Hà Nội phải kiểm tra, xem xét lại để quy trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vụ cháy.

* Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Hà Nội: Kiểm soát việc thực thi các quy định về phòng cháy, chữa cháy

Kiểm soát về phòng cháy, chữa cháy là một yếu tố về an toàn mà bắt buộc phải thực hiện. Trên thực tế, hiện nay các quy định về phòng cháy, chữa cháy đã có và tiêu chí không phải là dễ dàng, rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện lại vẫn xảy ra những hậu quả, thậm chí rất nghiêm trọng. Điều đó cho thấy việc thực thi đang có vấn đề.

Có 2 nguyên nhân chính. Trước tiên là do bản thân những người dân, các tổ chức, doanh nghiệp từ trước đến nay trong hoạt động về đầu tư, xây dựng đã có vi phạm. Cụ thể như không quan tâm đến những quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt là những công trình không thuộc nhóm công trình phải cấp phép, phải xin phép về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Do đó, không có biện pháp tiền kiểm để quản lý trước, hàng loạt vi phạm xảy ra và khi có sự cố thì dẫn đến hậu quả nặng nề. Đây là một trong những nguyên nhân rất căn bản và phổ biến.

Thêm nguyên nhân nữa là có những công trình, khu vực thuộc đối tượng phải kiểm soát nhưng quá trình thực thi vẫn chưa thực sự tuân thủ một cách chặt chẽ, nghiêm túc những quy định về phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí, chưa có những biện pháp, phương án phù hợp với thực tiễn khiến áp dụng quy định 1 cách cứng nhắc dẫn đến tình trạng không thể thực hiện được và để lại hậu quả khi có sự cố cháy.

Theo tôi, cần có sự thay đổi để thích ứng một cách “mềm dẻo” phù hợp với các điều kiện thực tế, theo những công trình đã từng tồn tại nhưng vẫn phải đảm bảo được những yêu cầu, điều kiện về sự an toàn. Điều này sẽ đồi hỏi trách nhiệm từ cả 2 phía, kể cả về phía người thực thi va đối tượng giám sát, thực tiễn.

Có lẽ cần có sự thay đổi rất căn bản về hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy như thêm các trụ nước cứu hỏa vào những khu dân cư có đường hẹp... Ngoài ra cũng cần một số biện pháp khác mà có thể chủ động được như thóa dỡ “chồng cọp”, tường vây... Mặc dù vậy, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời để khắc phục và đối phó với những nguy cơ xảy ra cháy. Còn về lâu dài, vẫn cần có giải pháp căn cơ hơn và đồng bộ hơn nữa.

Cần thay đổi kết cấu kiến trúc đô thị. Ví dụ như Hà Nội – thủ đô của quốc gia thì không thể để tồn tại những khu nhà lụp xụp; xây dựng không theo quy cách nào; thậm chí kể cả những nhà chung cư cũ cũng treo “chuồng cọp” kín mít. Khi có sự cố, lực lượng chức năng cũng không thể tiếp cận được.

Việc thay đổi căn bản phải bắt nguồn từ những khâu quy hoạch. Hiện quy hoạch còn nhiều bất cập như: lộn xộn, thiếu tầm nhìn dài hạn và không cương quyết thực hiện nghiêm các quy hoạch đã ban hành nên xảy ra tình trạng lộn xộn, đi kèm với hàng loạt yếu tố bất cập như hiện nay.

Nếu làm tốt khâu quy hoạch này thì sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân với mong muốn được sinh sống tại một đô thị văn minh, an toàn...; từ đó, gia tăng giá trị cho chính khu vực đó. Đơn cử như thu hút nhà đầu tư và dòng tiền vào cải tạo chung cư cũ...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục