Bên lề Quốc hội: Gửi gắm niềm tin vào nhân sự cấp cao của Chính phủ

11:38' - 07/04/2021
BNEWS Bên lề Kỳ họp, các đại biểu tiếp tục bày tỏ kỳ vọng, gửi gắm niềm tin vào nhân sự cấp cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới.

Ngày 7/4, tiếp tục nội dung kiện toàn nhân sự, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV phê chuẩn, miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Đồng thời, các đại biểu sẽ thảo luận tại đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu tiếp tục bày tỏ kỳ vọng, gửi gắm niềm tin vào nhân sự cấp cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới.

*Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận): Thúc đẩy vai trò tham mưu trong cải cách hành chính để sát với thực tiễn

Trong Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội sẽ phê chuẩn chức danh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới. Đây là chức danh có vị trí quan trọng trong việc tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Tôi kỳ vọng, người đảm nhận chức danh này có tầm tổng hợp, làm tốt tình hình để tham mưu ban hành chính sách kịp thời, giải quyết các vấn đề phát sinh trong điều hành quản lý của Chính phủ.

Trong nhiệm kỳ mới, tôi mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả đạt được của người tiền nhiệm; năng động, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ những quyết sách, giải pháp trong điều hành.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tôi rất ấn tượng trong việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng trong việc kiểm tra ở các địa phương, ngành xung quanh vấn đề cải cách hành chính. Từ đó, thúc đẩy môi trường hành chính lành mạnh, xử lý và điều hành công việc của Chính phủ hiệu quả hơn.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có chức năng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng với nhiệm vụ chính là đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành địa phương.

Đây là sáng kiến của người đứng đầu Chính phủ và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Thủ tướng. Tổ công tác đứng trước kỳ vọng lớn của xã hội về yêu cầu đột phá trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, mọi nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao đều phải được thực hiện đến nơi đến chốn và bảo đảm chất lượng.

Mô hình hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng là kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ giao được ra đời trong bối cảnh nhiều nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm túc, còn chậm trễ. Tổ công tác đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động nắm bắt tình hình, thực tiễn cuộc sống, các vấn đề nóng, xã hội quan tâm; phát huy tinh thần hành động quyết liệt, không ngại va chạm. Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần để các bộ, cơ quan, địa phương chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Điều tôi kỳ vọng nhất vào Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới là tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo xử lý cải cách hành chính trong cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới giữ vai trò lãnh đạo một đơn vị tổng hợp, do đó rất cần người có thực tiễn công tác tại địa phương, trải qua nhiều cương vị từ lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý nhà nước, vị trí cán bộ chủ chốt  khác nhau… Tôi hy vọng, với kinh nghiệm tích luỹ được trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới sẽ có nhiều sáng tạo, sáng kiến, đổi mới trong công việc, tham mưu các quyết sách gắn với thực tiễn.

*Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội): Kế thừa và phát huy nền móng của người tiền nhiệm

Trong phiên họp ngày mai, Quốc hội dự kiến sẽ phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo điều động, phân công công tác và nghỉ chế độ theo quy định của Luật Lao động thì một số ngành sẽ có Bộ trưởng mới như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng…

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Rõ ràng, đây là những ngành trọng điểm đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tôi hy vọng, các tư lệnh ngành mới sẽ phát huy các thành tựu của nhiệm kỳ trước đã đạt được và lấy đó là nền móng cho sự phát triển trong nhiệm kỳ tới đây.

Riêng lĩnh vực tài chính giúp cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cần có cái nhìn bao quát trong điều hành, chỉ đạo và tham mưu cho Chính phủ; điều tiết vốn cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và an sinh của người dân.

Tuy nhiên, cái khó của người đứng đầu ngành tài chính là giữ "tay hòm chìa khoá" quốc gia nhưng các chính sách vừa phải đảm bảo tăng thu để đáp ứng như cầu chi của bộ máy. Đồng thời, cân đối hài hoà với lợi ích của người dân và doanh nghiệp - đối tượng nộp thuế chính. Đây cũng là sức ép và là bài toán hóc búa đòi hỏi người đứng đầu ngành này phải giải quyết.

Thêm một yêu cầu đặt ra mà tôi kỳ vọng là "Tư lệnh" ngành tài chính mới sẽ làm được là tiếp tục kế thừa và phát huy từ người tiền nhiệm việc cải cách, đổi mới về chính sách, thủ tục, bộ máy thực hiện...

Đối với một đất nước nông nghiệp như chúng ta, việc ai trở thành Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn được các cử tri, nhân dân quan tâm. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy người dân rất trông chờ vào đổi mới quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng trưởng năng suất, giảm bớt các chi phí đầu vào.

Cũng như các "Tư lệnh" ngành khác, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ngoài năng lực, trí tuệ cần có tư duy đổi mới, tích cực để đáp ứng kỳ vọng của các cử tri./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục