Bên lề Quốc hội khóa XIV: Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật chống xâm hại trẻ em

13:18' - 27/05/2020
BNEWS Xâm hại trẻ em đang là vấn đề nan giải và gây ra những tổn thất rất lớn về sức khỏe, thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội của trẻ em.

Sáng 27/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ghi nhận về vấn đề này, nhiều cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là công tác rất quan trọng, cần phải thực hiện tốt các chính sách liên quan đến trẻ em. Xâm hại trẻ em đang là vấn đề nan giải và gây ra cho các em những tổn thất rất lớn về sức khỏe, thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt trong tương lai.

Theo luật sư Trần Thị Thu Hà (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngày càng nhiều thông tin, phim ảnh có nội dung không lành mạnh, gây kích động trên mạng xã hội, len lỏi bằng nhiều cách vào đời sống làm cho một bộ phận thanh thiếu niên và cả người có tuổi không tự kiểm soá được, mất lý trí.

Việc thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm; chưa kịp thời xử lý người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các hình xức xử lý vi phạm chưa có tác dụng giáo dục, răn đe.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ của trẻ em, dẫn đến tình trạng bố mẹ sao lãng, bỏ mặc con cái.

Trong không ít gia đình người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái nên tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính ngôi nhà của mình; khi vụ việc xảy ra thì nạn nhân và nhân chứng không dám tố cáo kẻ gây hại dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ. 

Để hạn chế các hình thức xâm hại trẻ em, luật sư Trần Thị Thu Hà cho rằng các cấp ngành và chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm xóa bỏ định kiến về giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm.

Như vậy mỗi người sẽ hiểu đúng, nhận thức đủ, mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm hại và biết cách phòng, ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nhập cư.

Ngành chức năng cần quy định rõ trách nhiệm truyền thông, nâng cao năng lực về các vấn đề trẻ em của từng ngành, lĩnh vực; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, các ngành, cấp; trách nhiệm của cha mẹ và người thân trong việc phòng ngừa xâm hại trẻ em. 

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Kim Thanh (Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần có cách nhìn toàn diện về loại tội phạm này để từ đó áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, góp phần tạo hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa.

Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến xâm hại trẻ em, tòa án cần chú trọng việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm về xâm hại trẻ em.

Cần thống nhất hoạt động phối hợp liên ngành để xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Liên quan đến vấn đề này, bà Thanh cũng kiến nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm giúp các địa phương có cơ sở để triển khai, tránh sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả trong công tác can thiệp và xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Cụ thể như nên có quy định riêng về thời hạn, thủ tục khởi tố vụ án hình sự đối với các tội xâm hại trẻ em; rút ngắn thời gian về thời hạn, thủ tục khởi tố vụ án hình sự đối với các tội xâm hại trẻ em; có quy định riêng về cách thức, thời hạn thu thập chứng cứ trong vụ án xâm hại trẻ em; quy định về số lần, cách thức lấy lời khai của bị hại là trẻ em, tránh trường hợp lấy lời khai nhiều lần cùng sự việc đối với trẻ em…

“Đặc biệt, cần tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em (người dưới 16 tuổi) tại các Điều 142, 144, 145, 146 - Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).  Cần tăng thêm số năm phạt tù đối với tội dâm ô trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em; bỏ hình thức cho các đội tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em được hưởng án treo khi xem xét tình tiết giảm nhẹ nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa trong toàn xã hội”, bà Trần Thị Kim Thanh nhìn nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục