Bên lề Quốc hội: Kỳ họp được tổ chức khoa học và hiệu quả

14:36' - 15/06/2018
BNEWS Sáng 15/6, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Chia sẻ ý kiến bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá Kỳ họp lần này được tổ chức rất khoa học và hiệu quả

*Đổi mới hiệu quả trong hoạt động chất vấn

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, Quốc hội xem xét thảo luận và thông qua các đạo luật quan trọng trong giai đoạn hiện nay để Việt Nam có bước phát triển mang tính đột phá và bền vững từ nay đến năm 2020.

Do đó sự chuẩn bị của các cơ quan Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan phục vụ nên kỳ họp được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Tuy nhiên, theo đại biểu, có những nội dung, công việc cần phải đánh giá và rút kinh nghiệm nghiêm túc để chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉnh chu hơn để tránh phải lùi thời hạn như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá kỳ họp lần này đã thay đổi cách thức tiến hành, hình thức chất vấn so với kỳ trước, diễn biến nhanh hơn đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải chuẩn bị kỹ lưỡng vấn đề chất vấn để không bị quá thời gian quy định nhưng chuyển tải hết thông điệp của mình đến người chất vấn, đồng thời vấn đề đưa ra chất vấn phải thiết thực và mang tính chất xây dựng chung chứ không giải quyết bức xúc cá nhân.

Đại biểu khẳng định, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện được tính khoa học của nghị trường, mang đến cho cử tri một không khí dân chủ và tạo ra điều kiện rất căn bản để cử tri trực tiếp giám sát hoạt động của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đánh giá, Kỳ họp thứ 5 đã có nhiều cải tiến trong phiên chất vấn, để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và đại biểu Quốc hội. Nguyên tắc và phương châm hỏi nhanh đáp gọn rất khoa học đem lại hiệu quả cao cho phiên chất vấn.

Qua phiên chất vấn, cử tri có thể giám sát được hoạt động của các đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường, giám sát được việc thực thi trách nhiệm của các Bộ trưởng cũng như lãnh đạo Chính phủ.

Theo đại biểu, vì thời gian quá ngắn bắt buộc phải có sự chuẩn bị sẵn sàng việc đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, qua đó, các đại biểu hỏi ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, đồng thời các Bộ trưởng cũng trả lời cởi mở, không vòng vo. Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng, đây là sự đổi mới hiệu quả cần được duy trì.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đánh giá kỳ họp này rất thành công, quyết được những luật rất phù hợp, sát thực tiễn cuộc sống, điều đó cho thấy chất lượng các kỳ họp của Quốc hội càng được nâng cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn phải có những cái cải tiến hơn nữa trong thời gian tới, cụ thể như báo cáo các chương trình giám sát các Ủy ban, hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên trình bày bằng phương pháp khác sinh động hơn.

"Ý kiến này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, thời gian tới sẽ tiếp tục cải tiến để các kỳ họp ngày càng tốt hơn, nhận được nhiều sự đồng thuận của cử tri, phục vụ tốt hơn phát triển kinh tế- xã hội và đời sống của người dân", đại biểu chia sẻ.

*Khoa học và dân chủ

 Sáng 12/6/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày: Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo (sửa đổi) và biểu quyết thông qua các dự thảo Luật. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Phân tích về việc thông qua các dự án luật, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) khẳng định, những quyết định của Quốc hội hết sức quan trọng, vì thế đều căn cứ vào tình hình thực tiễn phát triển, ý kiến của dư luận xã hội và sau thảo luận của đại biểu để đưa ra những chính sách phù hợp nhất với điều kiện của đất nước, đáp ứng được mong mỏi của cử tri trên cả nước. Đại biểu lấy ví dụ Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt có những cơ chế mới được đưa vào trong luật, Việt Nam còn bỡ ngỡ trong khi thế giới đã có nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, mỗi nước có hoàn cảnh chính trị khác nhau và dư luận xã hội có nhiều ý kiến đối với nội dung này trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của người dân đối với sự phát triển của đất nước. Qua đó Quốc hội đã lắng nghe, cầu thị và thấy rằng vấn đề này cần cân nhắc và tiếp tục nghiên cứu. Điều này thể hiện sự cẩn trọng của Quốc hội trong quá trình xây dựng chính sách và ban hành pháp luật.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội. Những người đại diện cho nguyện vọng của cử tri đã đóng góp sát, tranh luận nhiều vấn đề để thông qua trong kỳ họp lần này.

Theo đại biểu, dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, cử tri nên Quốc hội đã lắng nghe và quyết định lùi lại kỳ họp sau để có thời gian xem xét nhiều mặt chặt chẽ hơn là rất đúng đắn.

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, đại biểu Thái Trường Giang cho biết, đa số đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên, đôi lúc còn mất tập trung, để chủ tọa phải nhắc là hạn chế cần khắc phục.

Đại biểu cho rằng, có Bộ trưởng nắm rất rõ công việc ngành của mình, nhưng có Bộ trưởng vẫn trả lời dài, chưa đúng trọng tâm, đại biểu đề nghị gian tới các trưởng ngành trả lời ngắn gọn, đi thẳng vấn đề hơn. Bên cạnh đó, một số luật cần thêm thời gian để các đại biểu đóng góp ý kiến nhiều hơn như Luật Giáo dục đại học.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng những quyết định của Quốc hội về việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là các biện pháp cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã đem lại hiểu quả tích cực.

Đại biểu cho rằng, sự nghiệp phát triển kinh tế trong tình hình mới phải là sự nghiệp của toàn dân. "Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo phát triển năng động, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bao trùm. Khu vực này chính là khu vực tạo sự sáng tạo lớn nhất, đem lại nhiều việc làm cho người lao động", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, Chương trình Kỳ họp lần này làm việc đồng bộ, dân chủ, tiếp thu ý kiến của toàn dân. Đại biểu cho rằng, hoạt động của Quốc hội thời gian gần đây đã quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua các thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế và những luật về kinh tế đều nhằm nhiệm vụ trọng tâm phát triển khu vực này./.

>>> Luật An ninh mạng thiết lập cơ chế bảo vệ người dùng khi xảy ra sự cố

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục