Bên lề Quốc hội: Luật Quy hoạch được thông qua sẽ tiết kiệm lớn nguồn lực xã hội

13:17' - 25/10/2017
BNEWS Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, bởi mỗi một đất nước, mỗi một quốc gia đều có nguồn lực. Đặc biệt là nguồn lực tài nguyên mà không tái tạo, không sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí cho đất nước.
Mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau về dự án Luật Quy hoạch nhưng hầu hết ý kiến của các đại biểu chia sẻ bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10 đều kỳ vọng rằng, Luật Quy hoạch nếu được thông qua sẽ xóa bỏ tình trạng quy hoạch ngành nào biết ngành ấy, tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Đoàn thành phố Hải Phòng: Bước đột phá về mặt quản lý Nhà nước
Luật Quy hoạch là một bước đột phá về mặt quản lý nhà nước trong nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội và vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Luật Quy hoạch là một bước tiếp theo của Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Đầu tư công.
Luật Quy hoạch đã xác định ra được ranh giới để xử lý, sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên của đất nước. Quy hoạch chính là định hướng việc sử dụng tài nguyên của đất nước; trong đó, có cả quy hoạch vật thể và quy hoạch phi vật thể.
Luật Quy hoạch lần này tập trung làm sâu hơn và chủ yếu là quy hoạch vật thể; bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất, sử dụng tài nguyên, môi trường…. Theo phân loại của quy hoạch quốc gia thì bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.
Dự án Luật Quy hoạch lần này là bỏ toàn bộ quy hoạch sản phẩm, sản phẩm phát triển là do thị trường quyết định, Nhà nước không can thiệp. Nhà nước chỉ can thiệp vào những quy hoạch đã sử dụng nguồn lực chung.
Đây là bước đột phá, nếu thực hiện tốt được Luật Quy hoạch sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026.
Đặc biệt, Luật Quy hoạch sẽ được thông qua tại kỳ họp này và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Điểm khác biệt là Luật Quy hoạch khi thông qua thì sau một năm mới có hiệu lực, là khoảng thời gian để Chính phủ rà soát lại quy hoạch.
Theo đó, từ 1/1/2019, tất cả các quy hoạch được tích hợp vào trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia. Trên cơ sở luật mới, Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 thì mới không bị lãng phí và Luật Quy hoạch lần này sẽ hạn chế một cách tối đa việc chồng lấn giữa các quy hoạch.
Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn Cao Bằng: Sẽ tiết kiệm được rất lớn nguồn lực xã hội

Đại biểu Phùng Văn Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN.


Để có được dự thảo Luật Quy hoạch đến bây giờ mất rất nhiều công sức của Chính phủ, Quốc hội và của toàn hệ thống chính trị. Vì trong những năm qua, hệ thống quy hoạch còn rất nhiều bất cập.
Bất cập vì quá nhiều quy hoạch, quy hoạch nọ chồng lấn quy hoạch kia, quy hoạch này mâu thuẫn với quy hoạch khác và có nhiều quy hoạch không cần thiết; ví dụ như: quy hoạch về sản phẩm.
Do đó, xây dựng được dự án này là xây dựng được một hệ thống quy hoạch bài bản, có tầng lớp và thu gọn được quy hoạch; đảm bảo hệ thống quy hoạch này có thứ bậc, có sự tuân thủ.
Theo đó, đã rút gọn được hệ thống quy hoạch từ gần 20.000 loại quy hoạch khác nhau xuống còn khoảng 100 loại quy hoạch. Như vậy, Luật Quy hoạch này đã tiết kiệm được nguồn lực của xã hội rất lớn và ngăn cản sự điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện.
Đây là một thắng lợi lớn. Tuy nhiên, cùng một lúc chúng ta không thể đạt được tất cả, vì qua thực tiễn cần tiếp tục hoàn thiện. Nhưng dự thảo Luật Quy hoạch là khá hoàn chỉnh và Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Bắc Giang: Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN


Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, bởi mỗi một đất nước, mỗi một quốc gia đều có nguồn lực. Đặc biệt là nguồn lực tài nguyên mà không tái tạo, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ gây lãng phí, để lại hậu quả lâu dài cho con cháu chúng ta không còn nguồn lực đó nữa.
Vì vậy, xây dựng Luật Quy hoạch cần làm sao bài bản, căn cơ, khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên của đất nước sẽ là một trong những cách quản lý khôn ngoan hiệu quả. Điều này cần phải bàn để làm sao đưa ra phương án tối ưu nhất.
Nếu Luật Quy hoạch thông qua, tôi cho rằng các nguồn lực của đất nước sẽ được đánh giá, nhìn nhận đầy đủ hơn và việc sử dụng nguồn lực tài nguyên sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn để có thể tránh được việc lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn Nghệ An: Có cơ sở để thông qua Luật

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN


Qua nghiên cứu thì Luật Quy hoạch lần này đã là kỳ họp thứ 3 được Quốc hội quan tâm. Qua tìm hiểu, tôi biết rằng Luật Quy hoạch có rất nhiều các dự án luật kèm theo. Nếu thông qua thì đòi hỏi phải sửa 25 dự án luật khác.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng ta không thể chờ được nữa. Đến thời điểm này sau khi đã cơ bản thống nhất được tất cả các mối quan hệ, xử lý nhiều thông tin, chúng ta có cơ cở để thông qua Dự án Luật lần này. Tuy nhiên, theo lộ trình từ nay đến khi Luật có hiệu lực, chúng ta phải rất quan tâm để hoàn thiện hơn nữa.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng số quy hoạch các cấp của Việt Nam là gần 19.300. Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, dự kiến con số này sẽ giảm xuống khoảng một nửa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục