Bên lề Quốc hội: Minh bạch và chủ động chống gian lận xuất xứ

14:50' - 05/11/2019
BNEWS Bộ Công Thương cho biết sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại mà sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, dự kiến tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào ngày mai 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến gian lận xuất xứ.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa tại Móng Cái-Quảng Ninh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Xung quanh nội dung này, Bộ Công Thương cho biết sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại mà sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các thay đổi trong quy định về phòng vệ thương mại hay "lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại nhằm kịp thời cảnh báo cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, việc chống gian lận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đến thị trường Mỹ, đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện.

Đáng lưu ý, mới đây vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm thuộc sở hữu của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chặn lại trước khi định xuất sang Mỹ đã gióng lên hồi chuông về nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng trở thành điểm trung chuyển hàng lẩn tránh, trốn thuế của Trung Quốc và một số nước khác.

Bởi, chênh lệch thuế suất giữa nhôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với nhôm của Trung Quốc là rất lớn (nhôm Việt Nam chỉ chịu thuế 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc vào Mỹ thuế suất lên đến 374%).

Không chỉ với mặt hàng nhôm, gần đây, Bộ Công Thương liên tục phát đi các thông báo về việc hàng loạt các mặt hàng của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá do lượng xuất khẩu tăng đột biến như: đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép; trong đó, không loại trừ khả năng xuất khẩu tăng cao do gian lận xuất xứ.

Theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất hiện nay là tại một số thị trường; trong đó có Mỹ và EU, áp dụng chế độ tự chứng nhận xuất xứ, tức là không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng nhận xuất xứ (C/O) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Đây không phải là chứng từ bắt buộc, doanh nghiệp được tự khai và tự chịu trách nhiệm với hải quan nước nhập khẩu nên khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó vào cuộc nếu như không được hải quan nước nhập khẩu cung cấp thông tin.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả.

Bên cạnh đó, rất nhiều các đối tác có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đã phản ánh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa. Thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ cũng phản ánh có tình trạng này.

Nhằm hạn chế tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ đã và đang được triển khai tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại và các biện pháp kiểm soát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp, cụ thể là chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Cùng với dự án này, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay: Cục đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ.

Cùng với đó thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp và khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

Mặt khác, Cục Xuất Nhập khẩu còn thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đặc biệt lưu tâm trong chống gian lận xuất xứ hàng khi cấp C/O cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Một số nước tìm cách đánh thuế nhập khẩu rất cao vào hàng hóa từ một hay vài nước khác.

Để bảo đảm hiệu quả của biện pháp thuế, số vụ điều tra "chống lẩn tránh" sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với nhôm và sắt thép, do tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu.

Đáng lưu ý, để tránh thiệt hại cho các ngành hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ ban hành một nghị quyết về chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, ít nhất 8 bộ, ngành sẽ cùng vào cuộc chống hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt gồm Công Thương, Công an, Tài chính, Khoa học - công nghệ, Kế hoạch – đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng.

Hiện tại, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến cáo doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo, thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Công Thương để biết mặt hàng nào đang có nguy cơ cao bị điều tra "chống lẩn tránh".

Ngoài ra, các doanh nghiệp hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, vùng lãnh thổ đang bị Mỹ đánh thuế cao để sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục