Chống gian lận xuất xứ hàng hóa - Bài cuối: Kinh nghiệm thế giới

09:00' - 03/10/2019
BNEWS Tình trạng gian lận thương mại cũng đang “trỗi dậy” như các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hảng nhái, gian lận về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa… nhằm thu lời bất hợp pháp.
Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hảng nhái, gian lận về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa… cũng đang "trỗi dậy" ở châu Âu. Ảnh minh họa: TTXVN

Trải qua gần hai thập niên đầu của thế kỷ 21, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn tiếp tục xu thế hội nhập kinh tế sâu rộng với việc dỡ bỏ dần các rào cản thương mại truyền thống, đưa ra những cam kết mở cửa thị trường và triển khai các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Tuy vậy, song hành với xu hướng tích cực này, tình trạng gian lận thương mại cũng đang “trỗi dậy” như các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hảng nhái, gian lận về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa… nhằm thu lời bất hợp pháp.  

Thực trạng báo động

Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) đã cảnh báo quy mô doanh số của hoạt động kinh doanh hàng giả đạt từ 600 - 1.000 tỷ euro và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước thành viên cần hành động và hợp tác nhằm chống lại vấn nạn này. Chỉ riêng sản phẩm quần áo và giày dép giả ở châu Âu đã khiến EU thiệt hại khoảng 26 tỷ euro/năm.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính có đến 5% hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU là hàng giả và vi phạm bản quyền sản phẩm. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho hay, hoạt động trái phép này ngày càng mang lại lợi nhuận "khủng" cho các nhóm tội phạm có tổ chức. Europol cho biết khoảng 39% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của EU và 26% số việc làm tại EU đến từ lĩnh vực công nghiệp có mức độ bảo hộ trí tuệ cao.

Theo EESC, chống hàng giả đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối với châu Âu và EU cần phải đề ra một khung khổ pháp lý của châu Âu mới với một kế hoạch hành động được phối hợp và tài trợ toàn diện. EESC đã kêu gọi tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng châu Âu về những nguy cơ do hàng giả gây ra; đồng thời chỉ cho họ thấy các cách thức nhận biết hàng giả nhờ vào công nghệ mới.

Theo EESC, một trong số các nguyên nhân khiến nạn hàng giả tiếp tục tồn tại là do tình trạng khác nhau về luật pháp giữa các nước thành viên EU trong thực thi các tiêu chuẩn châu Âu. Vì vậy, để chống lại nạn làm giả túi xách, các loại dược phẩm của Ấn Độ, các loại thực phẩm và nước hoa đến từ Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, EESC chủ trương đưa ra một khung khổ pháp lý của châu Âu mới với một kế hoạch hành động được phối hợp và tài trợ toàn diện.

EESC kêu gọi khuyến khích các ứng dụng sáng tạo về truy xuất nguồn gốc và mở rộng các hoạt động tình báo, thực hiện các thỏa thuận song phương về thực thi pháp luật trên các chuỗi sản xuất. Báo cáo của EESC cũng chỉ rõ lĩnh vực tư nhân có thể dựa vào các đối tác như những đơn vị cung cấp dịch vụ Internet, các nhà sản xuất nội dung, các doanh nghiệp thanh toán điện tử, quảng cáo hay đăng ký tên miền Internet trong cuộc chiến chống nạn hàng giả và vi phạm bản quyền.

Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Cao su Singapore (RTAS), thành viên của Hội đồng Kinh doanh Cao su Đông Nam Á (ARBC) cảnh báo rằng trong thời gian qua, nhiều hội viên của họ đã gặp phải các trường hợp bị gian lận thương mại qua liên lạc bằng thư điện tử (email) do tài khoản email của họ bị lấy cắp.

Theo đó, các công ty hoặc đối tác nước ngoài của họ (người mua cao su) đã bị đưa ra những hướng dẫn sai lệch từ những tài khoản email đã bị điều chỉnh một cách tinh vi với những nhà cung cấp hóa đơn thương mại và chữ ký giả mạo. Hậu quả là những người mua cao su của họ đã chuyển khoản đến những tài khoản ngân hàng không thuộc về các nhà cung cấp (người thụ hưởng).

Nỗ lực ứng phó

Theo ước tính của OECD, các hành vi gian lận thương mại; trong đó có hàng giả có thể khiến nền kinh tế toàn cầu mỗi năm thiệt hại nhiều tỷ USD. Trước tình hình đáng báo động này, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp ứng phó để phòng chống; đồng thời bảo vệ các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.  

Theo Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), mỗi năm hàng triệu lô hàng giả đã được nhập khẩu vào nước này; trong đó các sản phẩm bị giả mạo nhiều nhất thường là các mặt hàng cao cấp vì có giá trị cao. Ước tính, có đến khoảng 2/3 số sản phẩm làm nhái mà Mỹ thu giữ có nguồn gốc từ châu Á.

Theo CBP, danh sách các sản phẩm bị làm giả nhiều nhất; trong đó có nhãn mác hàng hóa, máy vi tính, phụ kiện công nghệ, giày dép, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm điện tử, đồng hồ, trang sức và đồ chơi.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện quốc gia Mỹ (NEMA) ước tính, khoảng 300 - 400 triệu USD thiết bị điện giả “xâm nhập” vào thị trường Mỹ mỗi năm. Các sản phẩm giả mạo thường có thiết kế, chất liệu, chất lượng kém có thể gây ra thiệt hại về tài sản, thương tích, thậm chí tử vong cho con người.

Còn tại Singapore, với một cảng biển sôi động nhất thế giới và là nơi trung chuyển hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu giữa châu Âu, châu Á, "đảo quốc Sư tử" này cũng có nguy cơ cao trở thành nơi tập kết và trung chuyển hàng giả.

Trước tình hình trên, Cơ quan Hải quan giám sát việc thi hành Luật Sở hữu trí tuệ (IPR) ở khu vực biên giới của Singapore có quyền bắt giữ hàng hóa bị nghi ngờ, bao gồm hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu.

Hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ được quy định trong đạo luật về nhãn hiệu và bản quyền của Singapore. Ngoài ra, Cơ quan Hải quan Singapore cũng tích cực phối hợp với Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Singapore và lực lượng cảnh sát nước này để có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên./.

>>> Sắp kiểm tra nhiều mặt hàng kinh doanh online

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục