Bên lề Quốc hội: Quản lý đầu tư công, giám sát tuân thủ kỷ luật tài chính

16:13' - 26/03/2021
BNEWS Xung quanh việc tuân thủ kỷ luật tài chính, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lâm-Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

Một trong những điểm được đại biểu Quốc hội Khóa XIV ghi nhận là việc ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi 2019 thay thế Luật Đầu tư công 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nhiều điểm mới được hy vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công cũng như đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt là lên được kế hoạch cho giai đoạn trung hạn.

Liên quan đến nội dung này, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề tuân thủ kỷ luật tài chính.

Phóng viên: Đầu tư công luôn là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành và cả địa phương. Nhiệm kỳ này cũng là lần đầu Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung này?  

Đại biểu Trần Văn Lâm: Việc thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công sẽ giúp khắc phục được một trong những vấn đề lớn là sự lúng túng khi xác định tính chất, bản chất giữa các nguồn vốn đầu tư công dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động điều chuyển những nguồn vốn này. 

Ngoài ra, việc sửa đổi khái niệm nguồn vốn đầu tư công như Luật Đầu tư công 2019 sẽ tác động tích cực đến hoạt động phân loại các dự án và phân loại kế hoạch đầu tư, đơn giản hóa được các trình tự thủ tục liên quan. 

Điều này tạo ra sự phân biệt rõ ràng về trình tự thủ tục giữa các nguồn vốn, tránh sự chồng chéo và không thống nhất trong cách hiểu về nguồn vốn đầu tư công, cũng như tác động tích cực đến tỷ lệ giải ngân trong năm của các đơn vị. 

Nhờ đó, chúng ta có căn cứ để xây dựng dự toán ngân sách cũng như kế hoạch đầu tư trung hạn. Có thể khẳng định, đây là một nội dung rất đúng và kịp thời.

Phóng viên: Xin đại biểu đánh giá về việc lên kế hoạch và sử dụng nguồn vốn đầu tư trung hạn, nhất là khi Luật Đầu tư công được Quốc hội Khóa XIV thông qua?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Nền kinh tế có kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn 20-30 năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 - 10 năm... Trong tất cả kế hoạch, chiến lược đó, yếu tố quan trọng để thực hiện được là nguồn lực tài chính. Đi liền với nó là đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, cần được xây dựng theo mốc kế hoạch trung hạn, ít nhất là 5 năm để gắn vào đó thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn là đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn. Khi xây dựng phải đảm bảo kế hoạch hoá được việc bố trí các nguồn lực tài chính trong 1 giai đoạn dài. Từ đó, phân bổ hài hoà, hợp lý, tránh việc thiếu kế hoạch, đội vốn, phát sinh bội chi, tăng nợ công... khó kiểm soát.

Lợi ích đã rõ nhưng việc thực hiện lại không dễ do 2 yếu tố. Về khách quan, chúng ta không thể ngồi tại thời điểm này mà tính hết được các yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội và tình hình tài chính, thu - chi ngân sách của 2-3 năm tới, thậm chí 10 năm tới lại càng khó. Do đó, việc xây dựng kế hoạch trung hạn nhiều khi không sát với thực tế.

Trong khi đó, luật của chúng ta nhiều khi lại quy định "đóng khung" là muốn đưa vào kế hoạch năm thì phải có trong kế hoạch trung hạn, nếu không thì phải bổ sung kế hoạch trung hạn thì mới bổ sung được vào kế hoạch năm. 

Quá trình bổ sung kế hoạch trung hạn thì dự toán rất chặt chẽ, mất nhiều thời gian để thay đổi. Cho nên, với 1 số công trình, dự án phát sinh đột xuất, thiên tai dịch bệnh... thì việc bổ sung rất khó khăn.

Ngay như khi phát sinh nguồn thu đột xuất, có nguồn tiền muốn dành cho những trường hợp dự án cấp bách nhưng dự án này lại không có trong danh mục dự toán thì cũng không thể bố trí được. Trong khi đó, việc điều chỉnh đưa tiền vào đó cũng không thuận lợi. Đây là vướng mắc khách quan, nhưng nếu ta làm tốt khâu dự báo, xây dựng kế hoạch chiến lược tốt, định hình các công việc tốt thì vấn đề này sẽ khắc phục được.

Yếu tố thứ 2 là chủ quan vì tư duy nhiệm kỳ. Mỗi lãnh đạo mới lên đều muốn tạo dấu ấn riêng. Thế nên, các kế hoạch dài hạn xây dựng xong rồi nhưng khi đôi khi lại vẫn muốn điều chỉnh, thay đổi 1 chút theo tư duy của mình để tạo sự đổi mới, bứt phá. 

Bản chất của kế hoạch trung hạn bị "gò" chặt nên khó điều chỉnh. Nếu bằng mọi cách muốn thay đổi thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Phóng viên: Vậy theo đại biểu, việc thực hiện kỷ luật tài khóa thời gian tới cần chú trọng vào những yếu tố gì? 

Đại biểu Trần Văn Lâm: Kỷ luật tài khóa là một tập hợp các quy tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt, thực hiện ngân sách nhà nước. Nói một cách khác, kỷ luật tài khóa là các giới hạn về các chỉ tiêu tài khóa được chuẩn hóa trong pháp luật, tức là các mức về thu, chi tiêu công, cân bằng ngân sách và nợ công được đưa ra. Việc tuân thủ các chỉ tiêu này tức là đảm bảo kỷ luật về tài khóa.

Yêu cầu đặt ra thời gian tới là người xây dựng kế hoạch, lập dự toán là phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phân kỳ hợp lý để có lộ trình, bước đi phù hợp năng lực, điều kiện và bố trí sử dụng nguồn lực hợp lý. Tầm nhìn của người hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn rất quan trọng; cùng đó, phải đặt ra kỷ luật tài chính, bắt buộc phải tuân thủ để không được vi phạm.

Hiện nay có tình trạng, rất nhiều địa phương lúc xây dựng dự toán ngân sách thì co, bó lại. Nhưng cuối năm thu ngân sách vượt dự toán thì muốn chủ động bố trí phục vụ ngay. Đây là ý chí của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với kế hoạch trung dài hạn mà chỉ đáp ứng mong muốn của lãnh đạo ở thời điểm đó. 

Do đó, kỷ luật tài chính cần giám sát đặc biệt và kế hoạch, dự án cũng cần sắp xếp thứ tự ưu tiên... cần có lộ trình cụ thể, tuân thủ nghiêm túc.

Bên cạnh đó, cần quy định tỷ lệ dự phòng nhất định để xử lý các trường hợp phát sinh độ xuất do thiên tai, dịch bệnh, chịu ảnh hưởng từ tác động kinh tế thế giới... thì cũng cần lường trước, tính toán để bố trí nguồn hợp lý. Còn hợp lý như thế nào lại cần kinh nghiệm thực tiễn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục