Bên lề Quốc hội: Kỳ vọng về động lực phát triển kinh tế và đóng góp của đại biểu

13:49' - 24/03/2021
BNEWS Bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu đã bày tỏ mối quan tâm về động lực phát triển kinh tế cũng như kỳ vọng về đóng góp của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ mới.
Sáng 24/3, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp mang tính chất cầu nối, chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; xem xét miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn một số nhân sự cấp cao…. Kỳ họp này là dịp để các đại biểu Quốc hội đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế... để rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.
 

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu đã bày tỏ mối quan tâm về động lực phát triển kinh tế cũng như kỳ vọng về đóng góp của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ mới.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu 6,5 - 7%

Nhờ sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã tạo một sức bật mới cho nền kinh tế. Với nền tảng kinh tế vĩ mô đã tạo lập được trong nhiều năm qua thì cũng tiếp thêm động lực để nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.
Thời gian gần đây, kể cả uy tín, thương hiệu kinh doanh của Việt Nam trên thương trường quốc tế cũng được ghi nhận, tạo được hình ảnh đẹp với thế giới. Do đó, không chỉ hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam tiếp tục gia tăng mà cả thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng cao. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra là từ 6,5 - 7%.
Vấn đề còn lại là chúng ta phải phát huy nội lực để đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo đó, cần phải tạo điều kiện cho nền kinh tế dân doanh phát triển, kích thích doanh nghiệp trong nước nhanh lớn mạnh. Người nông dân yêu mảnh đất của mình hơn và có hướng làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp. Những yếu tố này sẽ là nội lực quan trọng đóng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Hiện thị trường Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu người luôn tạo sự hấp dẫn lớn. Điều này lý giải việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam để đầu tư, nhiều hãng kinh doanh bán lẻ cũng các thương hiệu uy tín của nước ngoài đều hướng đích ngắm đến thị trường này.
Thay vì thu hút "đại bàng" như chúng ta mong muốn thì cũng nên xây tổ cho "đại bàng Việt". Muốn vậy, cần bồi đắp cho các doanh nghiệp Việt phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kịp thời như về đất đai, thủ tục… để trợ lực cho doanh nghiệp nội.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng viên được giới thiệu khá toàn diện. Chúng ta đã tạo ra một cơ chế để tất cả công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử. Danh sách ứng cử đa dạng cũng là điều rất đáng mừng, phản ánh được tiếng nói từ nhiều góc độ, nhà khoa học, quản lý nhà nước, lập pháp, tư pháp, doanh nhân, giáo viên…
Các đại biểu sẽ đại diện cho tiếng nói của cử tri cả nước, khối đoàn kết... Do đó, cần đội ngũ có tâm, sẵn sàng hy sinh, dấn thân vào sự nghiệp chung, vì công việc chung. Đồng thời, các ứng viên vừa phải có tài, tức là có trình độ nhất định để đóng góp vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; có trình độ để thẩm định, đóng góp vào những vấn đề mang tính quyết sách của đất nước.
* Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội): Mong muốn thêm cơ cấu đại biểu ở các tổ chức xã hội

Hiệp thương lần hai đã hoàn thành việc cơ cấu đại biểu với lãnh đạo bộ ngành và lãnh đạo địa phương tham gia đại biểu Quốc hội, nhường vai cho chuyên trách - một vị trí gánh nhiều vai.
Yêu cầu đặt ra cho đại biểu chuyên trách là đòi hỏi của thực tiễn khách quan để đại biểu có nhiều thời gian, tâm huyết đóng góp vào hoạt động Quốc hội hơn.
Tuy nhiên, thành phần cơ cấu Quốc hội phải đầy đủ. Ngoài việc tăng chuyên trách, đại biểu từ cơ quan nhà nước vẫn phải tham gia, có sự đóng góp trong việc nhanh chóng thực hiện những chủ trương, nghị quyết mà Quốc hội thông qua
Chúng tôi mong muốn có thêm cơ cấu đối với đại biểu ở các tổ chức xã hội có kinh nghiệm thực tiễn ở góc độ chuyên gia để đóng góp thiết thực hơn cho hoạt động của Quốc hội. Chúng ta tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong khóa tới.
* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình): Linh hoạt trong cơ cấu đại biểu

Quy trình hiệp thương về số lượng, cơ cấu, thành phần người được giới thiệu đại biểu Quốc hội thời gian qua đã được Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn cần có những điều chỉnh cho hợp lý.

Tại Quảng Bình, cần xem xét về cơ cấu 4 đại biểu ở tỉnh mà quy định phải có 1 nữ trẻ ngoài đảng. Quy định này là đúng nhưng sẽ phù hợp với những tỉnh có từ 6-7 đại biểu cơ cấu tại địa phương. Nhưng nếu quy định cả 63 tỉnh, thành phố đều phải có cơ cấu bao gồm đối tượng này thì mang tính hình thức.

Trên thực tế, Quốc hội cũng đã có điều chỉnh phù hợp về cơ cấu đại biểu từ Khóa XIV như đại biểu cấp tỉnh không đảm nhiệm quá 2 chức danh. Như vậy, đã đảm nhận chức danh Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thì không là đại biểu hoặc đã là đại biểu Quốc hội thì không là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục