Bên lề Quốc hội: Tăng thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển

16:17' - 28/05/2020
BNEWS Ngày 28/5, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN xung quanh nội dung về nguồn lực giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngày 28/5, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) xung quanh gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như cơ hội để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Phóng viên: Đại biểu có thể nhận định về các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và doanh nghiệp đã tiếp cận như thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Hiện nay, chúng ta có khoảng 760 nghìn doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 98%.

Đặc biệt, trong thời gian qua các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy, Chính phủ đã điều hành rất kịp thời, đưa ra các gói kích thích kinh tế nhằm kích cầu và khôi phục sự phát triển cho các doanh nghiệp.

Chính phủ đang có Dự thảo trình Quốc hội về việc giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là hành động rất ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án này và nếu thực hiện sẽ tăng thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch.

Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ cũng đang thực hiện việc giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề xuất việc phục hồi rất chậm và đòi hỏi thời gian dài. Do đó, việc giãn, giảm thuế trong khoảng thời gian từ 3 - 5 tháng chưa đáp ứng được yêu cầu đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn...

Riêng gói hỗ trợ về tín dụng, đây là nguồn lực nhằm hỗ trợ giảm lãi suất, nhưng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay này cần phải tính toán một cách cụ thể bởi theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,3%.

Như vậy, từ nay đến cuối năm cần phấn đấu đạt hơn 8% để đạt mục tiêu 10% như đã đề ra và doanh nghiệp có thể có nhu cầu, nhưng điều kiện cho vay của ngân hàng không giảm quả là vấn đề khó.

Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn thì cần phải tháo gỡ, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý,  nhưng nguồn lực rất nhỏ. Quỹ này chỉ có khoảng 800 tỷ đồng, trong khi số lượng 760.000 doanh nghiệp cần hỗ trợ thì lại rất nhỏ. Còn Quỹ bảo lãnh tín dụng của Bộ Tài chính, nguồn lực cũng rất nhỏ và chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Do đó, tôi đề xuất Chính phủ tăng thêm nguồn lực cho hai Quỹ này để hỗ trợ, bảo lãnh cho doanh nghiệp, từ đó phía ngân hàng mới cho doanh nghiệp vay.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Chính phủ đang có phương án miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 tháng và giảm thuế VAT, nhưng doanh nghiệp muốn kéo dài thêm thời gian miễn và giảm thuế. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, với phương án của Chính phủ như hiện nay về miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp là khoảng 180.000 tỷ đồng là con số rất lớn.

Theo báo cáo, việc giãn, giảm thuế đã làm giảm nguồn thu ngân sách dẫn đến bội chi ngân sách. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài thời gian miễn, giảm thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách.

Để có nguồn lực cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển như mục tiêu đề ra thì bội chi ngân sách sẽ tăng. Tôi cho rằng, đây là bài toán về cân đối, làm sao để vừa có gói kích thích cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo cho các cân đối lớn của nền kinh tế. Như vậy, bài toán này cần phải tính toán một cách khoa học.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về cơ hội thu hút nguồn vốn FDI mới trong bối cảnh hiện nay?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Hiện nay, chúng ta có nhiều lợi thế về chính trị, kinh tế - xã hội phát triển ổn định. Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý I chỉ đạt 3,8%, nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, hiện có làn sóng chuyển dịch địa bàn đầu tư và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư này.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải chuẩn bị các điều kiện một cách cụ thể, rõ ràng để có thể đón nhận nguồn vốn đầu tư này.

Trong nhiều năm qua, Quốc hội và Chính phủ rất quyết liệt trong việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế.

Hiện tại, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại và ngay trong Kỳ họp này Quốc hội cũng bàn thảo đến các dự thảo luật quan trọng như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi). Đây là các luật rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kể cả vốn đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang thành lập các Ban chỉ đạo để kết nối tất cả hoạt động của các vùng, địa phương, tránh tình trạng chồng lấn trong quá trình thu hút vốn đầu tư.

Cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ sẽ phát huy hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư.

Phóng viên: Liên quan đến dự thảo Luật đầu tư đối tác công tư (PPP) đang được thảo luận, theo đại biểu cần bổ sung và hoàn thiện những gì để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Dự thảo Luật Đầu tư PPP thật ra không phải là mới, hình thức đầu tư này đã được triển khai 20 năm nay.

Trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều dự án và thu hút được nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, hình thức này cũng để lại những tồn tại, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Có ý kiến cho rằng, nhiều dự án thực hiện theo kiểu "tay không bắt giặc"; chất lượng công trình không tốt, nhưng dân vẫn phải bỏ tiền ra... Để khắc phục vấn đề này, thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã tiến hành xây dựng và thảo luận dự thảo Luật Đầu tư PPP, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp này.

Rõ ràng, chúng ta mong muốn một dự thảo Luật Đầu tư PPP để có thể khắc phục được tất cả những bất cập hiện nay và kiểm soát, thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với dự thảo luật này, tôi quan tâm đến vấn đề kiểm soát tốt khâu đầu vào, tức là khâu đề xuất, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu... nhằm tránh tình trạng xây dựng không tốt dẫn đến hiệu quả không cao. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng đầu ra, tức là sản phẩm cung cấp cho xã hội và người dân thụ hưởng.

Tóm lại, chất lượng, sản phẩm dịch vụ cung cấp cho người dân phải đạt hiệu quả cao, nhưng để làm được điều này cần phải có những cơ chế.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm dịch vụ này thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nhưng Nhà nước chưa đủ nguồn lực. Do vậy, muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, nguồn lực quản trị phải có sự phối hợp công tư.

Khi nhà đầu tư muốn đầu tư cũng cần có sự đảm bảo của Nhà nước bởi họ cũng đặt ra những rủi ro bất khả kháng, thậm chí có những rủi ro do chính Nhà nước đặt ra như việc thay đổi chính sách pháp luật, thay đổi quy hoạch... dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư. Vậy, các rủi ro này Nhà nước cũng phải chia sẻ và có trách nhiệm.

Chẳng hạn, trong phương án tài chính của một dự án được cho là đạt 100%, nhưng doanh thu của nhà đầu tư chỉ đạt 75% do gặp rủi ro về thay đổi chính sách pháp luật của Nhà nước và Nhà nước phải bù đắp phần thiếu hụt cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, trong trường hợp dự án hoạt động tốt, doanh thu vượt trên 125%, doanh nghiệp cũng phải chia lại phần lợi nhuận vượt đó cho Nhà nước.

Hiện nay, dự thảo Luật Đầu tư PPP đang được thiết kế theo phương án như vậy.

Phóng viên: Vậy phương án đó có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư hay chưa, thưa đại biểu?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, trong dự thảo Luật Đầu tư PPP đang thiết kế với biên độ 25%. Tức là trong phương án tài chính nếu doanh thu hụt dưới 75% và vượt quá 125% thì sẽ thực hiện việc chia sẻ rủi ro nên biên độ này hơi lớn.

Theo tôi nên để biên độ khoảng 15% là hợp lý bởi con số này cho một dự án là không nhiều lắm. Nếu đặt ở mức 25%, đương nhiên chúng ta công nhận cho doanh nghiệp mức hòa vốn là 75% và dưới mức đó thì Nhà nước mới phải bù.

Như vậy, không bao giờ nhà đầu tư có lãi trong khoảng 75%, còn nếu vượt trên 125% thì lại quá lớn nên đặt ở mức 15% là vừa phải. Theo đó, nếu dưới 85% thì Nhà nước bù và trên 115% thì nhà đầu tư chia sẻ.

Với biên độ như vây sẽ hợp lý hơn trong việc thu hút đầu tư và lẽ dĩ nhiên vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ càng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục