Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đề xuất thí điểm cấp huyện thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về vốn

19:14' - 30/10/2023
BNEWS Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm "trộn" 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn.

Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Phiên thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, chiều 30/10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm "trộn" 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn.

* Thí điểm “trộn” 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, so với báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt cơ chế chính sách với nguồn vốn đầu tư phát triển được giải quyết cơ bản xong. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, tất cả các văn bản sửa đổi có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc phân cấp và đem lại kết quả thiết thực. Đồng thời, giải pháp này giúp các địa phương có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn, thuận lợi trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm "trộn" 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn. Nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết, có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này. Mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định giữa vốn Trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và được áp dụng theo luật nên chỉ trường hợp cá biệt mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.

Về việc chuyển vốn, Chính phủ dựa trên nguyên tắc phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay với điều kiện, phiên họp lần này có thể giải quyết cơ chế đặc thù. Hiện chỉ còn tháng 11, 12/2023 và tháng 1/2024 để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn vốn năm 2022 đến 31/12/2024, tránh bị cắt chủ yếu là vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.

Hiện đang có nhiều vấn đề về mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 11, Chính phủ sẽ giải quyết hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp. Ví dụ, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cần làm rõ khái niệm thu nhập thấp, đơn vị thụ hưởng nguồn vốn trong chính sách đào tạo nghề.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cần làm rõ tiêu chí nông thôn mới nâng cao với tinh thần chỉ quy định khung và một số tiêu chí để địa phương quyết định cho phù hợp thực tế. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể bỏ một số nội dung khi không còn đối tượng hợp lý để dành nguồn vốn chuyển cho các chương trình khác… Bên cạnh đó là việc ứng xử với đất rừng, đất lúa, trước mắt là sẽ sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp... để giải quyết vấn đề này.

Đối với vấn đề “đạt chuẩn hay không đạt chuẩn nông thôn mới sẽ mất đi nguồn lực” hay “thoát nghèo rồi sẽ mất chính sách”, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi thụ hưởng chương trình, mọi người có động lực tự vươn lên và mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội vận động bà con có tâm thế mới, tích cực hơn, vượt qua sự ỷ lại.

* Tăng cường trách nhiệm các địa phương

Trước đó, tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng, thiết kế, thẩm định và giúp Ban Chỉ đạo điều hành 3 Chương trình này; tổng hợp và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội Tờ trình về một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong triển khai Chương trình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay, Ban Chỉ đạo cấp Trung ương và cấp tỉnh đã được kiện toàn và thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo các cấp để đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, qua đó hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Cơ bản đến nay, tất cả các văn bản hướng dẫn của Trung ương đã hoàn thành, bao gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường. Rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, do khối lượng văn bản lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại cùng một thời điểm. Vì vậy, về tổng thể chung rất khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề xuất cơ chế thí điểm mỗi địa phương lựa chọn và phân cấp cho cấp huyện thực hiện Chương trình với 2 nội dung là được điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các Chương trình với nhau và giữa các dự án thành phần thuộc các Chương trình đã được cấp có thẩm quyền giao; điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn sự nghiệp khi không dùng hết được hỗ trợ sang chi đầu tư.

"Nếu được Quốc hội cho phép thông qua lần này, đây là tháo gỡ rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong tư tưởng chỉ đạo cũng như kết quả mục tiêu của 3 Chương trình, Đảng, Nhà nước mong muốn, việc thực hiện được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, xây dựng được sự phát triển hài hòa mà ở đó người dân được thụ hưởng những chính sách ưu việt của chế độ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn. Tiếp cận ở góc độ văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, theo phân cấp, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện. "Trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa ở các cấp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục